Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

TP.PHCM gấp rút triển khai mọi giải pháp giảm ngập

27.09.2016 | 21:09 PM

Trận mưa ngày 26/9 có thể là một trong những trận mưa lớn nhất từ sau 1975 đến nay gây ngập nặng thành phố trong khi hệ thống cống thoát nước chưa đáp ứng được.

Sau trận mưa lịch sử tại TP.HCM chiều 26/9 khiến toàn thành phố “thất thủ” trong biển nước. Trao đổi với báo chí ngày 27/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ với những khó khăn mà người dân gặp phải vì có những chuyện chưa thể giải quyết kịp thời và thành phố đang gấp rút triển khai mọi giải pháp hạn chế tối đa ngập nước xảy ra trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ với người dân sau trận mưa lịch sử ngày 26/9.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, ông không bị bất ngờ về trận ngập chiều 26/9, vì trước đó, ông cùng toàn thể lãnh đạo UBND Thành phố đã trực tiếp kiểm tra, khảo sát nhiều điểm ngập nước ở khắp các quận, huyện.
Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng ngập xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần là do công tác quản lý ở các quận, huyện còn yếu kém, để người dân xây dựng lấn chiếm các công trình thoát nước.

Đây là một trong những vấn đề trọng tâm mà TP.HCM sẽ tập trung xử lý, có biện pháp chấn chỉnh để tăng cường khả năng chống ngập. Sắp tới, Thành phố sẽ xem xét, đánh giá lại toàn bộ các điểm, tuyến đường thường xuyên bị ngập để giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, cũng như các địa phương phải có trách nhiệm và nỗ lực nhiều hơn.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, ông đã trực tiếp chỉ đạo các phó chủ tịch ủy ban cùng với các ngành xử lý ngay những việc cấp bách để chống ngập cho bà con. Trước mắt sẽ phải nhanh chóng di dời những ngôi nhà lấn chiếm hệ thống kênh rạch để khơi thông dòng chảy, tăng khả năng thoát nước cho thành phố.
Trận mưa lớn chiều tối 26/9 gây ngập trên diện rộng, làm 59 tuyến đường chìm trong biển nước, chiều sâu ngập từ 0,1 m đến 0,5 m, diện tích ngập từ 100m2 đến 30.000m2.
Trước ý kiến cho rằng, thời gian qua thành phố đã đầu tư rất nhiều kinh phí để chống ngập nhưng kết quả chưa được như mong đợi, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng việc chống ngập thời gian vừa qua có một điều cần rút kinh nghiệm, đó là sự đồng bộ trong các giải pháp.
“Hôm rồi tôi đi kiểm tra dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) thì thấy cùng với dự án đang triển khai thì cũng dự kiến triển khai những dự án khác. Như vậy sự phối hợp phải đồng bộ về mặt hạ tầng nữa chứ không riêng gì việc chống ngập. Trong quản lý phải hết sức chú ý tính đồng bộ trong phát triển hạ tầng”.
Theo đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, trận mưa lớn chiều tối 26/9 gây ngập trên diện rộng, làm 59 tuyến đường chìm trong biển nước, chiều sâu ngập từ 0,1 m đến 0,5 m, diện tích ngập từ 100m2 đến 30.000m2.
Ông Nguyễn Ngọc Công – Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập cho hay, đây là trận mưa cực lớn, vượt xa tần xuất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay khi lượng mưa đạt trong 1 giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,70mm.
Ông Công nhận định: "Trận mưa hôm qua có thể là một trong những trận mưa lớn nhất từ sau 1975 đến nay gây ngập nặng thành phố trong khi hệ thống cống chưa đáp ứng được".
Nguyên nhân được Trung tâm chống ngập chỉ ra do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước còn phổ biến, người dân lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch chưa được xử lý triệt để và một số dự án thoát nước bị chậm tiến độ hoặc chưa triển khai được.
Đức Mỹ
http://www.nguoiduatin

Nhóm lợi ích quân đội và bi kịch sân bay Tân Sơn Nhất


Người Việt September 25, 2016
Phạm Chí Dũng
“Sân bơi Tân Sơn Nhất”
Tương tự tình trạng “ngập” của đảng cầm quyền từ năm 2012 đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang ở vào thời kỳ bi kịch sắp tới điểm cuối của nó.
Năm 2016, sân bay này đã chính thức được dân gian đặt tên “sân bơi Tân Sơn Nhất.” Nếu những năm trước sân bay này còn chưa bị ngập sau những trận mưa lớn, thì vào năm nay chỉ sau một trận mưa khoảng 150 mm, Tân Sơn Nhất đã biến thành một biển nước mênh mông.
Mới đầu, giới lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất còn phủ nhận về tình trạng nước ngập bao la, nhưng sau đó đã phải thừa nhận trước những tấm ảnh mang tính bằng chứng không thể chối cãi.
Thậm chí một thứ trưởng giao thông vận tải chủ quản của sân bay Tân Sơn Nhất – ông Nguyễn Nhật – còn thừa nhận rằng trong chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM hôm 11 tháng 9, 2016, ông cùng hơn 200 hành khách đã phải bay vòng trên trời hơn 40 phút do trời mưa to do sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng khiến máy bay không thể hạ cánh được.
Bi kịch đang hiện hình tồi tệ. Có lúc đến 9 chuyến bay phải bay vòng trên trời trong tổng số 670 -750 chuyến bay trong và ngoài nước cất cánh, hạ cánh mỗi ngày. Ai cũng biết nguyên nhân tắc trên trời trước hết là do tắc ở dưới mặt đất.
Thêm nữa, sân bay này chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80 vị trí. Có 2 đường băng nhưng chỉ 1 đường lăn ra vào 2 chiều. Máy bay khi hạ cánh đi vào nhà ga thì máy bay khác phải chờ. Có tình trạng hết vị trí đỗ nên máy bay phải chờ trên đường lăn.
Tất nhiên, nếu không có sân golf quân đội thì Tân Sơn Nhất sẽ có được 80 vị trí đỗ và thêm một đường băng nữa.
Quân đội nào?
Từ sau 1975, sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm diện tích méo mó. Hàng loạt đại gia nhóm lợi ích quân đội đã thẳng tay chiếm đoạt một phần Tân Sơn Nhất để làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.
Dù đất trống trong sân bay vẫn còn, nhưng một bàn tay đen đúa nào đó vẫn quyết cắt 157 ha đất vàng trong sân bay cho tập đoàn Him Lam làm sân golf, mặc cho sân bay này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Được biết, dự án sân golf trong sân bay bận rộn nhất Việt Nam do tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh làm chủ đầu tư. Tập đoàn nổi tiếng với loạt scandan như: xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác; lọt vào danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài Chính với số tiền nợ lên tới 34.8 tỷ đồng… Nổi tiếng với những bê bối tày đình như thế nhưng không hiểu sao tập đoàn này vẫn được bảo kê để lập lãnh địa riêng trên 157 ha đất trong sân bay. Thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm đầu độc người dân thành phố bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không bị truy cứu trách nhiệm.
Cũng phải kể đến một nhân vật có máu mặt khác – Đại Tá Phùng Quang Hải – “chủ” một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau vụ “tướng Thanh đi Pháp chữa bệnh” vào tháng 6, 2015, và từ đó Phùng Quang Thanh gần như “mất tích” trên bàn cờ chính trị, nghe nói số phận của Đại Tá Phùng Quang Hải cũng không tốt lành hơn. Còn có đồn đoán rằng ông Hải đang phải chịu một chế độ quản thúc nào đó hoặc đã bị bắt.
Tuy nhiên dù hai ông Thanh và Hải “không còn nữa,” lợi ích nhóm quân sự vẫn là một bí mật kinh khủng và là một thách thức khủng khiếp đối với chính quyền dân sự.
Chỉ từ tháng 10, 2015 mới bắt đầu những cuộc bàn bạc giữa phía quân sự với đại diện nhà chức trách dân sự về việc dùng đất quân sự để mở rộng Tân Sơn Nhất.
Một lần nữa, nhu cầu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được “đảng ta” đặt ra một cách đầy quyết liệt, trong bối cảnh dự án sân bay Long Thành còn lâu mới được khởi công do chưa tìm ra “tiền đâu.”
Chỉ mới đây, trước tình trạng quá tải và hết chỗ thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc Phòng mới chịu “nhả” gần 20 ha để mở rộng sân bay này. Tuy nhiên trong lúc việc bàn thảo còn chưa đâu vào đâu, một liên danh nhà đầu tư gồm tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), công ty dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mêkông và công ty cổ phần hạ tầng Đông Á lại đề xuất dự án xây dựng hệ thống đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) với đường Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) theo hình thức đầu tư PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác) nhằm giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến vốn đầu tư đến 3.500 tỷ đồng.
Dự án trên về thực chất là nhằm né sân golf của nhóm lợi ích quân đội!
Tấn bi kịch còn lâu mới chấm dứt
Ngay lập tức đã xuất hiện hàng loạt ý kiến phản bác dự án trên: Liệu rằng khi xây xong, tình trạng kẹt xe trước ngõ vào sân bay có được giải quyết? Hay lại tăng thêm áp lực cho khu vực này khi không chỉ 3, 4 tuyến đường đổ về cùng lúc mà tận 6,7 tuyến? Liệu rằng khi đề xuất dự án “điên rồ” này, người ta có tính đường giải quyết nút thắt ngay cửa ngõ Tân Sơn Nhất không? Hay chỉ chăm chăm “vẽ” dự án nghìn tỷ “trên trời,” dự án càng nhiều, càng lớn lại càng có lợi?
Tại sao cứ phải vay hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ để xây mới sân bay quốc tế mà không phải là mở rộng diện tích sử dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất, trả lại quy hoạch đồng bộ ban đầu cho khu vực sân bay, xây thêm các Terminal tại những cửa ngõ khác đi vào sân bay để tăng cường và khai thác hết công năng của Tân Sơn Nhất? Tại sao lại cắt đất sân bay làm sân golf, vừa lấn chiếm diện tích làm đường băng mới, vừa tạo thêm chướng ngại vật cho các phi công trong quá trình hạ cánh sau một chuyến bay dài đầy mệt mỏi và căng thẳng? Tại sao phải giữ dự án sân golf vốn chỉ dành phục vụ vài ông chủ của giới thượng lưu, cổng vào rộng thênh thang không một bóng người, mà không biến nó thành một cửa ngõ vào sân bay quốc tế, vừa giảm tải cho nhà ga sân bay, vừa giảm áp lực tại các cửa ngõ và các tuyến đường đổ về khu vực này?
Tại sao cứ đổ lỗi cho hệ thống mương cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu khi người ta đã cắt xén và lấp không ít mương trong hệ thống để tạo nên những thảm cỏ sân golf xanh mướt hay bê tông hóa chúng thành những con đường rải nhựa phục vụ cho các ông chủ thỉnh thoảng đến giải trí? Tại sao người ta chỉ đề xuất chi hàng trăm tỷ đồng cho dự án làm kênh thoát nước chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi phần gốc của vấn đề vẫn còn đó? Tại sao không phải là trả lại quy hoạch ban đầu cho sân bay, nâng cấp mương thoát nước vốn cũ kỹ, phục hồi hệ thống thoát nước khổng lồ trong sân bay mà tiếp tục “né” sân golf, đào xới ngang dọc khiến sân bay như một chiếc áo chắp vá cũ nát?
Tại sao vẫn kiên quyết giữ cái sân golf chỉ chuyên phục vụ giới nhà giàu, rồi lại rút cạn ngân sách, tiền mồ hôi nước mắt của dân để “vẽ” ra những dự án trên trời, chẳng những không giải quyết được mà còn khiến vấn đề thêm trầm trọng?
Những người quan tâm cũng nêu ra một hướng giải quyết vô cùng đơn giản, ít tốn kém nhưng không hiểu sao các nhà quy hoạch không ai “nhìn ra” hay người ta “thấy” nhưng cố tình né tránh: Tại sao không xây thêm cổng vào từ các tuyến đường Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Sơn (khu vực cổng vào sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất)?
Chỉ có điều, nếu làm đúng nguyện vọng của dân và trả lại cho sân bay Tân Sơn Nhất về chính nó thì ai sẽ là người dẹp loạn lấn chiếm đất đai sân bay của tập đoàn Him Lam và tổng công ty 319?
Như người đời bình phẩm, trong tất cả những ông lớn kinh doanh bất động sản, Bộ Quốc Phòng là một “cá mập” vào loại khủng nhất.
Bi kịch của sân bay Tân Sơn Nhất cũng bởi thế vẫn còn lâu mới chấm dứt!


https://www.facebook.com/pham.chidung.96/posts/1084477518314058:0

Dân Sài Gòn bức xúc sau trận mưa ngập nặng

Dân Sài Gòn bức xúc sau trận mưa ngập nặng


Cơn mưa làm ngập hơn 30 điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và khiến nhiều người không thể về nhà sau giờ làm việc.
Nhiều người đã thể hiện ý kiến sau sự cố bị ngập nặng giữa thành phố lớn nhất tại Việt Nam này.
Một người tên Đỗ Oanh nói cô "băn khoăn" sau trận mưa và nước dâng. Cô liệt kê:
“Mưa ngập ướt khắp nơi vầy nguồn điện dễ chạm mạch, rất là nguy hiểm tính mạng.
“Những xe bốn bánh khi ngập nước sẽ bị hư hỏng rất nặng . Chi phí bảo trì và sửa chữa hơn giá trị 1/2 chiếc xe . Ko biết lái xe taxi họ sẽ về đâu.
“Rắn rết , côn trùng độc hại bò lên bờ cắn người.
“Nước cống , nước thải tràn lên bờ tắm người.
“Mọi thứ đình trệ , thiệt hại tổn thất rất lớn ... Trận ngập này có tính là thiên tai ko ? Ai gánh trách nhiệm này ? Ông trời hay ai?,” bình luận của cô được nhiều người chia sẻ.

“Đất nước trên yên xe máy”

Nhiều báo tại Việt Nam tường thuật cảnh hỗn loạn tại thành phố lớn sau cơn mưa dai dẳng.
Tran.ng tin Kenh14.vn đăng tải sự cố một bà mẹ khi đi ngang qua đoạn đường ngập đã vô tình thất lạc đứa co
Image copyrightFACEBOOK
Image captionNhiều xe máy bị cuốn vào dòng nước, trong một clip người đàn ông đuổi theo chiếc xe máy bị trôi đi
Nhà văn Đàm Hà Phú, tác giả nhiều quyển sách nói về văn hóa Sài Gòn viết: "Ai cũng nói chuyện cơn mưa đêm qua, về quy hoạch đô thị và 68 ngàn tỉ tiền chống ngập cùng sự chịu đựng lô cốt kẹt xe khói bụi mấy năm rồi đã trôi theo dòng nước cống đêm qua... nên mình không nói lại, nói thêm chi nữa, mình chỉ nên nói về xe máy.”
“Hôm qua cả trăm ngàn chiếc xe máy bị ngập, bị cuốn trôi, bị chết máy, bị ngã... kèm với đó là hàng ngàn ngàn người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, vâng tội nhất là trẻ em, chúng đói, lạnh, hoặc khóc ngất hoặc vất vưởng chịu đựng cùng cha mẹ.
“Bên cạnh chỗ tôi, một chị kia dỗ con mãi không nín, chị ôm con khóc nức nở theo nó, chiếc xe bị cuốn trôi và chết máy vừa được mọi người vớt lên để nằm chỏng chơ bên cạnh. Bạn Thắm đội mưa đi mua đồ ăn cho con bị rơi vào miệng cống, ướt như chuột, đứt dép, đau đớn và căm phẫn.
“Đó là bức tranh chung của Sài Gòn đêm qua, hàng triệu người phải vật lộn xoay xở với cơn mưa trên xe máy, vâng, chiếc xe máy, cùng với một văn hoá quốc gia giao thông bằng xe gắn máy, chính là bộ mặt của nghèo đói và lạc hậu,” nhà văn này bình luận.
“Và, trong khi các báo cáo ở hội nghị ca ngợi mọi thứ, các bạn dư luận viên đang hát bài của họ, thì nhân dân vẫn trần mình cùng kẹt xe, khói bụi, tai nạn, nước ngập... trên chiếc xe gắn máy thần thánh cùng với áo mưa cánh dơi hai đầu huyền thoại... trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới người ta ngồi xe hơi, xe buýt, xe điện ngầm, MRT...”
Ông Đàm Hà Phú ví von “một đất nước trên yên xe máy, trong kỷ nguyên vũ trụ".
Image copyrightTHANH NIEN NEWS
Image captionCảnh các hộ lý bắt lươn trong bệnh viện Trưng Vương bị ngập, do báo Thanh Niên tại Việt Nam ghi nhận

“Quy hoạch” kém?

Báo Thanh Niên có nhiều video về trận mưa và nước ngập, với cảnh nhiều bác sĩ trong bệnh viện bắt được cả lươn khi nước dâng.
Vnexpress chạy tựa "Sài Gòn rối loạn vì ngập nặng", với cả video tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố bị mưa hắt, nước tràn từ tầng bốn xuống sảnh.
Một số báo về giải trí đăng tải hình ảnh ngôi nhà của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị ngập và nhiều người phải dọn dẹp đồ đạc lên cao.
Người dùng Facebook tên Thinh Nguyen bình luận: "Sài Gòn ngập nước sau cơn mưa kéo dài lịch sử. Ngay cả nhà xây cất kiên cố hàng trăm tỉ (vài triệu dollars) của ca sĩ Đam Vĩnh Hưng cũng bị nước ngập tơi tả !?"
Bạn đọc Quynh Anh Pham lại dẫn một bài báo "Hơn 1000 xe máy bị nhấn chìm trong hầm sâu 2 mét giữa Sài Gòn" của báo Dân Trí và bình luận: "Không thể lấy lí do trận mưa khủng khiếp như một vài báo giật tít (vì không có số liệu lịch sử khí tượng kèm theo), và chắc chắn trong lịch sử Sài gòn cũng đã từng hứng những trận mưa như thế nhưng không hoặc ít ngập.
Image copyrightFACEBOOK
Image captionTòa nhà cao nhất thành phố Bitexco cũng bị nước dột và phải lau dọn
“Đã đến lúc (tuy đã muộn nhưng còn hơn không) cần nhìn thẳng vào sự thật: Nguyên nhân căn bản là do quy hoạch và quản l‎ý trật tự đô thị yếu kém, trong thời gian dài - ít nhất cả thập kỉ.”
Người dùng Facebook này cũng nói với vị lãnh đạo thành phố: “Thưa anh Đinh La Thăng, trong nhiệm kì của mình, anh chỉ cần huy động bộ máy quản lí nhà nước đồ sộ của thành phố tập trung giải quyết được vấn đề tối thiểu, cơ bản của 1 thành phố văn minh là: ít hay tốt hơn là hết ngập nước và kẹt xe máy là dân thành phố và cả nước sẽ đội ơn anh và hệ thống quản lý nhà nước lắm rồi.
“Không cần đặt mục tiêu khó với tới: Hòn ngọc Viễn Đông, chỉ cần hết là "hòn ngập, bãi xe máy Viễn đông" là thiết thực và quí lắm rồi ạ!"
nguồn BBC:http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam

Hơn 500 ngư dân nộp đơn kiện Formosa


Thứ ba, 27/9/2016 | 11:21 GMT+7

Do cuộc sống bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển Formosa, hơn 500 ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An đã đâm đơn kiện đòi bồi thường.

TAND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thông báo đến trưa nay đã tiếp nhận tổng cộng hơn 500 đơn của người dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) cùng khởi kiện Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Gần 40 đơn khác bị tòa từ chối tiếp nhận vì cho rằng chưa đủ thủ tục.
Từ chiều 26/9, hàng trăm người dân đã tập trung ở trụ sở tòa án để gửi đơn kiện, tuy nhiên thời điểm đó tòa mới tiếp nhận hơn 200 đơn. Trong nội dung khởi kiện, đa số ngư dân yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại trong khai thác hải sản, làm muối, làm mắm… do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển.
Một lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho VnExpress biết, chiều 26/9 khi thấy 13 ôtô 24 chỗ chở gần 300 người dân ở huyện Quỳnh Lưu đi vào thị xã, nhiều người dân ở xã Kỳ Hà đã hòa vào cùng. Dòng người đi nộp đơn kéo dài hơn 200m.
hon-500-ngu-dan-nop-don-kien-formosa
Hàng trăm người dân tới trụ sở TAND thị xã Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện Formosa khiến quốc lộ 1A đoạn qua phường Sông Trí ùn tắc khoảng một tiếng vào chiều 26/9. Ảnh: Đức Hùng
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho hay sáng nay cán bộ TAND tỉnh và Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã vào hỗ trợ giúp thị xã Kỳ Anh trong việc này. Về nguyên tắc, khi công dân có đơn kiện, cơ quan chức năng phải tiếp nhận. Sau 5 ngày, nhà chức trách sẽ trả lời có thụ lý hay không.
Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Văn Đình Minh, đây là lần đầu tiên tại Hà Tĩnh có đông người tham gia kiện cùng một doanh nghiệp
Một luật sư cho biết, nếu tòa thụ lý, mỗi đơn kiện sẽ được xét xử riêng biệt.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Khó khăn trong nuôi trồng và đánh bắt hải sản khiến cuộc sống của ngư dân 4 tỉnh miền Trung điêu đứng.
Formosa Hà Tĩnh thừa nhận đã xả thải gây ra sự cố môi trường biển và bồi thường 500 triệu USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết đầu tháng 10, các địa phương sẽ nhận được kinh phí đền bù thiệt hại.
Đức Hùng
http://vnexpress.

Giáo sư Ngô Bảo Châu ủng hộ tự lựa chọn học tiếng Trung, Nga

Giáo sư Ngô Bảo Châu ủng hộ tự lựa chọn học tiếng Trung, Nga

“Việc trẻ con có thể chọn một trong 5 sinh ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là tiến bộ. Hiển nhiên trong số 5 sinh ngữ đấy phải có tiếng Trung”, giáo sư Ngô Bảo Châu nêu ý kiến.

Ngày 24/9, giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ trên trang cá nhân quan điểm ủng hộ việc dạy tiếng Trung, tiếng Nga cho trẻ em Việt Nam. Theo giáo sư, trẻ em Việt Nam từng học tiếng Anh vì nước Mỹ giàu nhất thế giới. Hay từng có lúc Liên Xô vĩ đại nên trẻ con phải học tiếng Nga. Vì thế, việc có thể chọn một trong 5 ngôn ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là điều tiến bộ và trong đó, phải có tiếng Trung. > Xem chi tiết status
giao-su-ngo-bao-chau-ung-ho-tu-lua-chon-hoc-tieng-trung-nga
Giáo sư Ngô Bảo Châu ủng hộ trẻ em được lựa chọn học tiếng làm ngoại ngữ chính.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nói thêm rằng, việc học tiếng Trung là để có thể buôn bán với người Trung Quốc và để hiểu về nước láng giềng.
Quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu đã thu hút sự chú ý với hơn 7.000 lượt “thích” và hơn 400 lượt chia sẻ. Nhiều ý kiến bày đồng tình với quan điểm do giáo sư Ngô Bảo Châu đưa ra. Giáo sư Hà Huy Khoái bình luận: "Nếu không là bắt buộc, mà tự chọn, thì tất nhiên càng có nhiều thứ để lựa chọn thì càng tốt thôi”.
Facebooker Thanh Tran-Trong không đồng tình với quan điểm trên. "Không ổn! Ai thích học thì học, không cần phổ cập. Từ ngày dân Ba Lan bỏ học tiếng Nga họ phát triển ầm ầm, mà vẫn buôn bán với Nga. Học để nói tiếng Tàu thì dễ, nhưng để ký hợp đồng bằng tiếng Mandarin thì rất khó. Business (kinh doanh) nên ký bằng tiếng Anh, được bảo vệ hơn". 
Ngày 17/9, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã đề xuất dạy thí điểm tiếng Trung Quốc và tiếng Nga cho học sinh lớp 3 từ năm 2017. Quan điểm trên đã gây nhiều tranh cãi cộng đồng.
Đông Anh
http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/giao-su-ngo-bao-chau-ung-ho-tu-lua-chon-hoc-tieng-trung-nga-3473940.html

Thành phố Sài Gòn bị tê liệt sau một cơn mưa lớn


Thành phố Sài Gòn bị tê liệt sau một cơn mưa lớn chưa từng thấy


 Vào chiều tối ngày 26 tháng Chín 2016 thành phố Sài Gòn chìm trong “cơn mưa to chưa từng thấy”. Nước tràn vào bệnh viện, cửa hàng điện máy, nhà cửa, đường ra phi trường Tân Sơn Nhất tê liệt, các tầng hầm của nhiều tòa cao ốc chìm trong nước… Cơn mưa tầm tã như trút nước khiến đường phố Sài Gòn và người dân phải khổ sở trong buổi chiều tan tầm.
Các con đường từ khu vực quận 1, quận 2, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân… chìm trong biển nước hơn 30 điểm.
Đặc biệt, bên trong tòa nhà Bitexco, tòa nhà cao nhất ở trung tâm Sài Gòn, nước đổ xối xả từ tầng 4, trong thang máy, lẫn mặt sàn tầng trệt ngập lênh láng, buộc rạp chiếu phim BHD bên trong tòa nhà phải tuyên bố đóng cửa.
Tại bệnh Ung bứu Sài Gòn, nước ngập tràn sân đến đầu gối, khiến nhiều bệnh nhân khổ sở tránh mưa.
Riêng các con hẻm xung quanh khu vực bến xe Miền Đông gần như ngập nặng, người dân dắt bộ xe đi trong mưa. Cửa hàng điện máy ở khu vực này bị nước tràn vào khiến các nhân viên phải tất bật dọn hàng, tạt nước trông rất khổ sở.
Đáng chú ý, đường ra phi trường Tân Sơn Nhất dòng xe kẹt cứng. Riêng phi trường Tân sơn Nhất, hơn 20 chuyến bay quốc nội và quốc tế bay đến không thể hạ cánh, phải bay lòng vòng. Một số máy bay phải quay lại các phi trường xung quanh. Hàng ngàn hành khách mệt mỏi ngồi đợi.
SÀI GÒN (CTM Media) 
https://chantroimoimedia.com/2016/09/27/thanh-pho-sai-gon-bi-te-liet-sau-mot-con-mua-lon-chua-tung-thay/

Sân bay Hàng không “Tân Sơn Nhất” ở Việt Nam được xếp vào hạng “Trộm Cắp Nhất” thế giới

Sân bay Hàng không “Tân Sơn Nhất” ở Việt Nam được xếp vào hạng “Trộm Cắp Nhất” thế giới

Thach Preichea Koeun l VOKK
Sân bay Hàng không “Tân Sơn Nhất” ở Việt Nam bị liệt vào 10 sân bay tệ nhất tại Châu Á và là một sân bay “Tệ Nhất” trong Quốc Tế được xếp vào hạng “Trộm Cắp Nhất” thế giới.
Theo trang web Sleeping In Airport đã được công bố gần đây là Sân bay Hàng không “Tân Sơn Nhất” ở thành phố Prey Nokor, Lãnh thỗ Kampuchea Krom nay là tp Hồ Chi Minh, Miền Nam Việt Nam đã bị liệt vào 10 sân bay tệ nhất tại Châu Á.
Sân bay Hàng không Tân Sơn Nhất.
Sân bay Hàng không Tân Sơn Nhất.
Theo trang web trên sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang được cải thiện vượt trên các sân bay tồi tệ nhất trong danh sách các sân bay tại châu Á. Tiền thân là sân bay tồi tệ nhất thứ 8 trong khu vực, tình trạng xuất nhập khẩu đã xấu đi hơn nữa nhờ vào những cáo buộc tham nhũng. Nhiều người trả lời khảo sát cho biết cán bộ hải quan yêu cầu hối lộ để di chuyển qua quá trình nhanh hơn, và những người đã từ chối trả các vấn đề một cách nhanh chóng phải đối mặt với giấy tờ của họ. khiếu nại khác bao gồm các tín hiệu Wi-Fi kém, phòng tắm bẩn và hạn chế lựa chọn của nhà hàng”.
Trang web Sleeping In Airport cũng nêu ra đề nghị “nếu đến thăm sân Tân Sơn Nhất, hành khách hãy cẩn thận giữ tài sản có giá trị và một số tiền mặt nhỏ trên tay”.
Giới chức chính phủ Việt Nam cũng thừa nhân có vụ trộm cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tại ông Phạm Quý Tiêu phát biểu tại một hội nghị liên quan hồi năm 2014 rằng vụ tài sản trong hành lý của hành khách bị trộm là một truyền thống có từ lâu rồi nhưng chưa thể ngăn chặn được.
Ông  Phạm Quý Tiêu nói rằng:
“Có ba chỗ liên quan đến vụ mất hành lý của hành khách, một là tại sân trường, ở đó chỉ có bốc vác với lại an ninh hành không thôi, ở tại hầm hàng, ở chung hầm hàng hành khách và đặc biệt là hầm hàng rời, thứ ba tại máy soi của hải quan. Có ba chỗ đấy thôi là ăn cấp của thôi”.
Trang mạng xã hội facebook tên Tiếng Nói Ngừơi Dân đã đăng bài viết chỉ trích phi trường Tân Sơn Nhất là một sân bay tồi tệ hơn những gì mà trang web Sleeping in Airport công bố nữa. Trang facebook này nói răng sân bay Tân Sơn Nhất là một “sân bay trộm cắp nhất thế giới”.
Trang Tiếng Nói Ngừơi Dân nói răng:
“Phi trường TSN là cảng hàng không quốc tế INTERNATIONAL AIRPORT VIETNAM đại diện cho bộ mặt quốc gia khi khách quốc tế đến Du Lịch tham quan đất nước này…Thế nhưng không có phòng khách, chỗ ngồi để cho người chờ đợi đón tiếp khách bay cổng ra và không có khu phòng để cho khách đưa tiễn. Cả hai khu đón và đưa hàng lớp người đứng chen chúc ngoài hành lang trước cổng ra vào, sân bay thì xì xèo như một tổ ong.
Toilet, mùi nước tiểu bốc lên như….. . Nước giải khát và đồ ăn uống giá chặt chém cũng như các nhân viên cân hành lý thì hống hách, câu giờ để tỏ ra xin cho như khâu kiểm tra Hải quan ( customs). Khâu ra máy soi cửa phi trường, nhân viên hạch hỏi những câu hách dịch, mang theo bao nhiêu TIỀN?, có mang thuốc tây không?, bao nhiêu Rượu?…vv, cho dù đã qua máy soi nhưng vẫn hù dọa để moi TIỀN. Nhất là Việt kiều và người Châu Á ( 10 đến 20 USD) sẽ được qua nhanh mà không cần soi chiếu.
Thủ tục Công An xuất nhập cảnh thì câu giờ mặc dù đã có thị thực VISA hợp lệ ( hộ chiếu nước ngoài) nếu không bo TIỀN, nhất là Việt kiều và người Châu Á. Phải mất 20 đến 35 phút để kiểm tra an ninh và scan hộ chiếu vào dữ liệu. Trong khi cảnh sát xuất nhập cảnh ở các phi trường Châu Âu không mất quá 3 phút, scan hộ chiếu.
Đặc biệt vấn nạn trộm cắp tài sản trong hành lí của khách. Dù có nhiều cuộc họp bàn về cách ngăn chặn vấn nạn trộm cắp ở sân bay nhưng dường như ngành hàng không Việt Nam vẫn ” bó tay” với thực trạng này, bị quốc tế xếp hạng ” CẢNG HÀNG KHÔNG TỒI TỆ NHẤT THẾ GIỚI” đến nông nỗi này… thì quả là tệ hơn vợ thằng ĐẬU là quá chính xác”.
10 sân bay quốc tế tệ nhất thế giới mà được trang web Sleeping in Airport công bố gồm:
1. Kathmandu Tribhuvan International Airport, Nepal (KTM)
2. Tashkent International Airport, Uzbekistan (TAS)
3. Kabul Hamid Karzai International Airport, Afghanistan (KBL)
4. Ho Chi Minh City Tân Sơn Nhất International Airport, Vietnam (SGN)
5. Islamabad Benazir Bhutto International Airport, Pakistan (ISB)
6. Guangzhou Baiyun International Airport, China (CAN)
7. Chennai (Madras) International Airport, India (MAA)
8. Manila Ninoy Aquino International Airport, Philippines (MNL)
9. Dhaka Shahjalal International Airport, Bangladesh (DAC)
10. Colombo Bandaranaike International Airport, Sri Lanka (CMB)