Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Hàng loạt tỷ phú, triệu phú trong chính quyền Donald Trump

11:42 - Thứ Sáu, 2/12/2016

Việc có nhiều tỷ phú, triệu phú tham gia chính quyền như nhiệm kỳ của Donald Trump là rất hiếm khi xảy ra...

Hàng loạt tỷ phú, triệu phú trong chính quyền Donald Trump
Nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ ông Trump trong việc lựa chọn người đứng đầu doanh nghiệp thành công vào chính quyền - Ảnh: Reuters
LỆ THU
Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump, đang thiết lập một bộ máy chính quyền với nhiều nhân sự thuộc loại giàu nhất trong các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ gần đây, theo thông tin mới được Wall Street Journal đăng tải.

Từ khi còn đang tranh cử, Trump luôn khẳng định ông ngưỡng mộ, đánh giá cao tài năng của những người đã thành công trong kinh doanh, vì vậy, ông muốn chính quyền Mỹ sẽ có sự tham gia của nhiều doanh nhân.

Hôm thứ Tư tuần này, Trump đã công bố chính thức việc bổ nhiệm Wilbur Ross, chủ tịch một quỹ đầu tư vào vị trí Bộ trưởng Thương mại. Ông Ross hiện đang có tổng tài sản khoảng 2,5 tỷ USD, theo tính toán của tạp chí Forbes. 

Đây cũng là nhân vật được mệnh danh “ông vua của các vụ phá sản”, người có tầm nhìn xa và nhận ra cơ hội trong lúc hỗn loạn. Ông nổi tiếng với nhiều phi vụ mua lại và tái cơ cấu thành công nhiều doanh nghiệp bên bờ vực sụp đổ.

Trong khi đó, cựu chuyên gia ngân hàng với 17 năm kinh nghiệm tại Goldman Sachs, ông Steven Mnuchin, sẽ trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ. 

Nhà từ thiện nổi tiếng đến từ bang Michigan, có xuất thân từ gia đình giàu có với tổng tài sản 5,1 tỷ USD, bà Betsy DeVos, sẽ giữ chức Bộ trưởng Giáo dục. 

Người đứng đầu chuỗi câu lạc bộ Chicago Cubs và có tổng tài sản ước khoảng 1,7 tỷ USD, ông Todd Ricketts, được chọn vào vị trí Thứ trưởng Thương mại Mỹ.

Cho đến nay, Donald Trump đã lựa chọn 4 tỷ phú và triệu phú - những người đang sở hữu tổng tài sản ước tính khoảng 8,1 tỷ USD - vào một số vị trí quan trọng trong chính quyền mới. Nếu so với tổng tài sản của những người giữ các vị trí tương tự trong chính quyền của Tổng thống Obama, con số này gấp 4 lần. Còn nếu so với thời kỳ của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, con số đó cao gấp 20 lần. 

Trả lời giới truyền thông về lựa chọn của Donald Trump, phát ngôn viên Jason Miller khẳng định ông Trump đã “cân nhắc rất kỹ lưỡng” về quyết định của mình, và bày tỏ niềm tin rằng kiến thức của các tỷ phú, triệu phú sẽ hữu ích trong việc cải thiện tình trạng nền kinh tế Mỹ.

Nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ Trump trong việc này. Thượng nghị sỹ kiêm Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch khẳng định với sự tham gia của nhiều doanh nhân có kinh nghiệm quản lý trong bộ máy chính quyền, môi trường kinh doanh Mỹ nói chung sẽ được cải thiện.

Trên thực tế, việc bổ nhiệm giám đốc điều hành doanh nghiệp thành công vào các vị trí quan trọng trong Chính phủ Mỹ là không mới. Năm 2013, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama từng chọn tỷ phú Penny Pritzker vào vị trí Bộ trưởng Thương mại Mỹ. Năm 2006, cựu Tổng thống Bush đưa ông Henry Paulson, người có tài sản ước tính 392 triệu USD và từng là sếp ngân hàng Goldman Sachs, lên làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ. 

Thế nhưng việc có nhiều tỷ phú, triệu phú tham gia chính quyền như nhiệm kỳ của Donald Trump là rất hiếm khi xảy ra. Obama tuy từng bổ nhiệm tỷ phú vào nội các, nhưng cũng từng chọn ông Anthony Foxx, người có tài sản chỉ vỏn vẹn 175 nghìn USD, để nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Giao thông Mỹ vào năm 2013.

Hiện tại, với một số vị trí còn lại trong chính quyền mới của Mỹ, tỷ phú trong ngành năng lượng với tổng tài sản 16,6 tỷ USD, ông Harold Hamm nhiều khả năng sẽ trở thành Bộ trưởng Năng lượng; triệu phú Andy Puzder có thể sẽ giữ chức Bộ trưởng Lao động; ông Mitt Romney với tổng tài sản 250 triệu USD có thể được chọn vào vị trí Ngoại trưởng

LẠI CHUYỆN TIẾM QUYỀN VÀ LÀM THAY

02/12/2016 - 03:00  Nguyenanhtuan
Thời gian vừa qua dư luận thành phố Đà Nẵng rúng động với một vụ án giết, hiếp nghiêm trọng. Sau gần một tuần điều tra, công an thành phố đã bắt được nghi phạm. Trong một diễn biến liên quan, chủ tịch thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ được mô tả trên báo chí nhà nước là đã vào thẳng khu vực tạm giam để 'hỏi cung'.
Vietnamnet, một trong những báo điện tử hàng đầu của Việt Nam hiện nay, đăng trên trang Facebook của họ: "Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đích thân hỏi cung tên tội phạm. May mắn là tên tội phạm nguy hiểm này đã bị tóm gọn chỉ sau 5 ngày tìm kiếm."
Bức tranh của nền tư pháp Việt Nam qua sự kiện này hiện lên thật kỳ quái.
Chủ tịch thành phố thì đòi làm thay vai trò của cơ quan điều tra ngay cả trong một nghiệp vụ đòi hỏi chuyên môn cao là 'hỏi cung', trong khi Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân chẳng có chỗ nào cho phép ông tham gia tiến trình điều tra, xét hỏi cả. Ông cần phải lưu ý rằng, thân là nhân viên công vụ thì phải luôn khắc cốt ghi tâm quyền lực nhân dân giao cho mình bao giờ cũng có giới hạn ghi rõ trong luật pháp mà mình không được phép bước qua. Cứ mỗi lần bước qua là một lần tiếm quyền, là không còn chính đáng nữa.
Còn Vietnamnet, một trong những báo điện tử nhiều người đọc nhất Việt Nam thì đưa tin kiểu kết án, gọi luôn nghi phạm là 'tên tội phạm', như muốn chiếm luôn quyền của Tòa án. Thời gian qua, Vietnamet là tờ báo thường xuyên giật tít và viết bài kiểu này, chứng tỏ nhận thức về quyền con người bao gồm quyền được xét xử công bằng (fair trial) và các vấn đề công lý hình sự khác của báo rất thấp. May cho họ là tới giờ Việt Nam chưa có các cơ chế hỗ trợ cho những nghi phạm vốn thấp cổ bé họng kiện lại họ vì những bài báo kiểu như thế này.
Công an bắt được một nghi phạm. Người này chẳng hề được thông báo là anh ta có quyền im lặng, luật sư thì không được tiếp cận từ đầu để đảm bảo nghi phạm không bị bức cung, nhục hình. Báo chí, sau khi lấy tin từ công an, viết hàng loạt bài gọi luôn nghi phạm là 'tên tội phạm', mô tả chi tiết hành vi của nghi phạm như thể đó là sự thật khách quan, xong thì thay luôn quan tòa kết án. Viên chức dân cử thì đến thẳng buồng tạm giam, đóng luôn vai trò của điều tra viên, đặt ra các câu hỏi theo lối khẳng định luôn nghi phạm có tội để báo chí đưa tin. Cả xã hội theo đó sẽ ào ào lên hành xử với nghi phạm này như thể anh ta chắc chắn đã có tội, tạo ra một áp lực rất lớn đối với quá trình xét xử sau đó của Tòa án.
Nghe Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) kể về những oan khiên đã chịu, ai cũng uất ức thay cho các ông ấy. Nhưng liệu có bao giờ bạn chịu hiểu chính cái quy trình nói trên là nguyên nhân gốc rễ của những oan sai đó không?
Nên nhớ là cả hai vụ này được phát hiện oan sai đều do hung thủ đích thực, vì day dứt lương tâm, mà ra đầu thú chứ hệ thống tư pháp chẳng thể nào tự khám phá ra. Thế nếu hung thủ thực sự không thấy áy náy và không ra đầu thú thì sao? Hỏi nghĩa là bạn trả lời luôn rồi đó, có Trời mới biết đã có bao nhiêu vụ tương tự như trên, mà kẻ oan khuất chẳng hề được may mắn như hai ông Chấn, Nén.
Vậy thì, nếu không lên tiếng để có một tiến trình tư pháp hình sự văn minh hơn ở đất nước chúng ta, kẻ chịu oan khiên tiếp theo biết đâu đó sẽ là tôi hoặc bạn, hoặc gia đình, bạn bè, người thân của chúng ta.
Viết tới đây bỗng nhớ tới Myanmar, sau khi chuyển tiếp chính trị, bộ máy cảnh sát, quân nhân được yêu cầu phải tham gia các lớp học về quyền con người do Liên Hợp Quốc phối hợp với Chính phủ tổ chức. Mỗi khóa kéo dài chỉ khoảng 2-3 tuần, và người học được yêu cầu phải có chứng chỉ tốt nghiệp thì mới tiếp tục công tác. Hi vọng một ngày Việt Nam cũng sẽ như thế, để toàn bộ hệ thống công quyền, thay vì suốt ngày điệp khúc trung thành với một lý tưởng hão huyền, trở về với một điều giản dị bình thường mà quan trọng hơn rất nhiều: đối xử với người khác cho ra một con người.
http://www.rfavietnam.com/node/3587