Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Bầu Đức nhận tạm ứng hơn 1.400 tỉ từ bán thủy điện ở Lào

Bầu Đức nhận tạm ứng hơn 1.400 tỉ từ bán thủy điện ở Lào

Thứ Năm, ngày 03/11/2016 13:43 PM (GMT+7)
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã nhận được 1.424 tỉ đồng tiền ứng trước của đối tác từ việc bán dự án thủy điện Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 tại Lào.
Xem thêm các kỳ: Kỳ đầu tiênKỳ trước ... 6 7 8 9[10]
Bầu Đức nhận tạm ứng hơn 1.400 tỉ từ bán thủy điện ở Lào - 1
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đây là thông tin nằm trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Theo đó, trong quý 3/2016, tập đoàn này ghi nhận mức doanh thu 1.254 tỉ đồng, giảm 914 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân theo HAGL là do doanh thu bán bò, doanh thu từ các sản phẩm ngành đường và doanh thu bán sản phẩm hàng hóa trong kỳ giảm.
Cụ thể, doanh thu bán bò trong kỳ giảm 611 tỉ đồng với với cùng kỳ năm ngoái. Lý do là bởi số lượng tiêu thụ bò thịt giảm. Doanh thu từ các sản phẩm ngành đường cũng giảm 141 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015.
Riêng doanh thu bán sản phẩm hàng hóa có mức giảm thấp hơn, 138 tỉ đồng bởi nhu cầu hàng hóa, nguyên vật liệu cho ngành chăn nuôi giảm.
Tương ứng với biến động của doanh thu, giá vốn hàng của HAGL cũng giảm 463 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. 
Theo giải trình của HAGL, nguyên nhân là do giá vốn bán bò giảm 303 tỉ đồng, giá vốn sản phẩm ngành đường giảm 70 tỉ đồng và giá vốn các sản phẩm, hàng hóa giảm 96 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015.
Báo cáo tài chính của HAGL cũng cho biết, lợi nhuận gộp về bán hàng trong kỳ giảm 451 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng doanh thu hoạt động tài chính của tập đoàn này cũng giảm 73 tỉ đồng trong quý 3/2016, đạt 240 tỉ đồng. Nguyên nhân được cho là do lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái của các khoản cho vay các công ty, nay phần lớn đã thu hồi.
Trong khi đó, chi phí hoạt động tài chính của HAGL trong quý 3 tăng mạnh lên 405 tỉ đồng, cao hơn 47 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. 
Theo giải trình là do chi phí lãi trái phiếu và lãi vay ngân hàng tăng cao hơn.
Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của HAGL đạt 4.911 tỉ đồng, giảm gần 300 tỉ so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính giảm nhẹ từ 844 tỉ xuống 811 tỉ nhưng chi phí tài chính tăng gấp rưỡi từ 854 tỉ lên gần 1.300 tỉ đồng.
Lỗ trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2016 là 1.188 tỉ đồng. Lỗ sau thuế  là 1.268 tỉ đồng và lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 896 tỉ.
Đáng lưu ý, trong đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào giữa tháng 10.2016, HAGL đã thông qua chủ trương bán các dự án thủy điện Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 tại Lào. 
Và theo số liệu trên báo cáo tài chính quý 3 mà HAGL vừa công bố, bên mua đã ứng trước 1.424 tỉ đồng để mua lại dự án thủy điện. 
Được biết, HAGL đã bỏ hơn 3.400 tỉ đồng đầu tư vào các dự án thủy điện này.
Hiện, tổng tài sản và tổng nợ phải trả của HAGL lần lượt là 52.300 tỉ và 34.900 tỉ đồng. Trong đó, các khoản vay nợ là gần 26.000 tỉ. 
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy trong 9 tháng đầu năm, công ty đã trả 7.270 tỉ đồng nợ gốc và lãi; đồng thời đi vay 5.053 tỉ đồng.

Lo ngại về nhà máy xin đổ chất thải xuống biển Bình Thuận

Lo ngại về nhà máy xin đổ chất thải xuống biển Bình Thuận

03.11.2016
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (Ảnh: Facebook Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân)
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (Ảnh: Facebook Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân)
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận hôm 3/11 nói nếu cho phép một công ty nhiệt điện ở tỉnh đổ chất thải xuống biển, việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Theo báo chí Việt Nam, mới đây, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin phép nhà chức trách đổ chất thải từ việc nạo vét luồng lạch xuống biển.
Hồ sơ xin phép nói lượng chất thải từ quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ lên đến hơn 1,5 triệu mét khối. Công ty đề xuất được đổ chất thải ra biển. Địa điểm đổ cách đất liền khoảng 3 hải lý (5,5 kilomet) và khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Tin cho hay sau khi thẩm định hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận nói việc đổ thải với khối lượng lớn xuống biển “sẽ ảnh hưởng đến môi trường Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau cũng như hoạt động hàng hải tuyến ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận”.
Báo Giao thông viết: “Những tác động của việc đổ thải đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra nên Sở TN&MT đề nghị không thực hiện chôn dưới biển mà tìm phương án khác...”
Ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, phân tích với VOA về các yếu tố gây ô nhiễm liên quan đến nhà máy nhiệt điện:
“Vận chuyển than và chất thải của nhiệt điện ra thì trong đó có các loại ô nhiễm là lưu huỳnh, sun-phua, chì, rồi cadmium. Những cái đó là độc hại. Nếu lâu ngày sẽ ngấm xuống, sẽ tồn lưu trong bùn của các luồng lạch. Về mặt đổ chất nạo vét bùn thải các luồng lạch ra biển, theo tôi biết, về mặt luật pháp nhà nước có quy định rất rõ ràng. Ví dụ, không được đổ trong vòng 6 hải lý. Trước đây là trong vòng 12 hải lý, 3-4 cây số là không được phép. Đổ ra biển như vậy tất nhiên cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái, và phải đổ ra xa nó khuếch tán được lâu. Nói chung, hóa chất độc hại thì không được đổ ra biển, theo tôi là như thế”.
Theo các nguồn chính thống, khu bảo tồn biển Hòn Cau - có diện tích 12.500 ha - là nơi có hệ sinh thái biển phong phú. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 kilomet với gần 234 loại san hô.
Một số nhà khoa học cảnh báo việc đổ thải với số lượng lớn cách đất liền chỉ 3 hải lý sẽ gây chết san hô, các loại thủy sinh khác sẽ bị diệt vong. Hệ quả là Khu bảo tồn Hòn Cau - được thành lập từ năm 2008 - có thể bị xoá sổ.
Hồi trung tuần tháng 9, ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bình Thuận, nhận định với báo chí rằng do ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân và các dự án khác, việc khu bảo tồn Hòn Cau bị xóa sổ “chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Cùng thời gian đó, báo chí dẫn lời ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết “Nước thải ở các nhà máy nhiệt điện thường thải ra với nhiệt độ cao, điều này cũng đồng nghĩa những rạn san hô và các loài thủy sinh sẽ bị tác động trực tiếp, đe dọa sự sống còn”.
http://www.voatiengviet.com/a/lo-ngai-ve-nha-may-xin-do-chat-thai-xuong-bien-binh-thuan/3579272.html