Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

'Không phải con cháu lãnh đạo, còn lâu mới được đề bạt'


 Nếu ông không phải là bí thư, bộ trưởng, chủ tịch, còn lâu người ta mới đề bạt con cháu. Con nông dân học giỏi tại sao không xin việc được?
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt trao đổi với VietNamNet xung quanh chuyện bổ nhiệm cán bộ. 
Mọi thứ đều đúng quy trình
Trong năm nổi lên nhiều vụ bổ nhiệm cán bộ, nhiều ý kiến cho rằng đó là biến tướng của tham nhũng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng như ĐB Lê Thanh Vân cảnh báo. Vậy các quy định về phòng chống tham nhũng hiện nay đề cập vấn đề này thế nào?
Tất cả mọi thứ bây giờ đều đúng quy trình cả, không ai nói không đúng quy trình đâu. Người ta cũng bỏ phiếu từ trên xuống dưới đầy đủ, không có gì sai.
'Không phải con cháu lãnh đạo, còn lâu mới được đề bạt'
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt. (Ảnh: Thu Hằng)
Nhưng thực tế rất vô lý. Anh không phải bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng thì ai dám đề xuất con anh, cháu anh. 
Như tôi là con nông dân thì cấp dưới có dám đề xuất không. Bởi vì mác của ông thế rồi người ta mới đề xuất chứ. Người ta có chú ý đến người tài đâu mà chú ý đến cái mác của người đó để xem xét con cái, người thân của ông đó, bà đó để đề xuất.
Đúng quy trình nhưng quy trình áp với thực tiễn không đi vào cuộc sống, không đúng với thực tế, mục đích của Đảng về việc bổ nhiệm cán bộ có tài có đức thì phải xem lại quy trình đó có đúng không để cải tổ lại.
Quy trình là tập thể nhưng tập thể thì lại xảy ra chuyện tôi vì anh, anh vì tôi chứ không vì cái chung. Như Hải Dương 44/46 người làm lãnh đạo cả không thấy ai nhân viên cũng quy trình đúng cả thì đó là quy trình bậy.
Theo ông, việc bổ nhiệm như vậy có phải là biến tướng của tham nhũng nhưĐB Trương Trọng Nghĩa từng nói không?
- Để kết luận có tham nhũng hay không là một vấn đề phức tạp và khó. Bởi vì quá trình bổ nhiệm là do tập thể quyết định, người ta nói chỉ là một cá nhân, chỉ 1 phiếu thôi. 
Ai có thể kết luận được bí thư chỉ định việc bổ nhiệm này, không có. Vì từ dưới cơ sở giới thiệu lên cơ mà.
Thậm chí có ông bí thư bảo bổ nhiệm con tôi thì tôi mang tiếng lắm nhưng bên dưới cứ bảo con ông là việc con ông, chúng tôi giới thiệu người tài. Trong khi bây giờ đánh giá cán bộ tài hay không tài là cả vấn đề.
Nếu làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của những người này thì được nhưng cái này cũng rất khó khăn. Bởi, muốn quy kết có tham nhũng hay không phải chứng minh yếu tố vụ lợi.
Còn nếu không chứng minh được thì không thể nói tham nhũng được. Ở Tây thì chẳng cần chứng minh vụ lợi, tư lợi gì hết, làm cái này sai là sai, tham nhũng là tham nhũng. Còn mình cứ phải chứng minh yếu tố vụ lợi rất khó khăn.
Nếu ông không phải là bí thư, bộ trưởng, chủ tịch còn lâu người ta mới đề bạt con cháu ông. Con nông dân học giỏi đầy ra đấy tại sao không xin việc được. Đấy là vấn đề.
Ông Vũ Huy Hoàng phạm luật Phòng chống tham nhũng
Như trường hợp của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giới thiệu con trai để bổ nhiệm vào vị trí khá nhạy cảm trực thuộc bộ của ông quản lý là quá rõ?
'Không phải con cháu lãnh đạo, còn lâu mới được đề bạt'
UB Kiểm tra TƯ có gửi công văn hỏi ý kiến Thanh tra CP là hành vi của ông Vũ Huy Hoàng như vậy có vi phạm luật Phòng chống tham nhũng không. Tôi vừa ký văn bản trả lời là có vi phạm vào  quy định của luật Phòng chống tham nhũng.
Theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng là không bổ nhiệm người thân vào những vị trí mà mình quản lý, phụ trách. Cho nên việc ông Hoàng bổ nhiệm con trai như vậy là vi phạm luật phòng chống tham nhũng.
Tuy ông Hoàng không quyết định bổ nhiệm trực tiếp mà do HĐQT Sabeco bầu nhưng ông Hoàng là thành viên ở đấy nhưng lại giới thiệu con trai cho HĐQT bầu là vi phạm.
Nhưng văn bản giới thiệu con ông Hoàng là do thứ trưởng Bộ Công thương trực tiếp ký, vậy có truy trách nhiệm ông ấy được không?
- Dù văn bản giới thiệu là thứ trưởng ký đi nữa thì ông ấy là Bộ trưởng, là người đứng đầu thì người khác ký ông vẫn phải chịu trách nhiệm. Và cũng bởi vì con ông thì HĐQT mới bầu chứ con ông Đạt sao người ta bầu được. Còn nếu để HĐQT Sabeco tự tìm người lại là chuyện khác.
Đây là trường hợp rất cụ thể. Con ruột của mình, mà mình lại làm quản lý có quyền chỉ đạo cả HĐQT cơ mà. Trường hợp này khác với ông bí thư chỉ được chỉ đạo về mặt chủ trương chứ không có quyền quyết định như ông bộ trưởng. Ở đây ông Hoàng giới thiệu bổ nhiệm con trong lĩnh vực kinh doanh do ông trực tiếp quản lý thì rõ quá rồi.
Trong thực tế có nhiều trường hợp cấp dưới đề nghị bổ nhiệm con cháu của cấp trên vào vị trí này vị trí nọ nhưng họ sẵn sàng bỏ, vì ngại mang tiếng. Như trường hợp con của Tổng bí thư có nhiều chỗ đề bạt nhưng Tổng bí thư có đồng ý đâu
                    Thu Hằng

Sau Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy, có bao nhiêu "sếp" doanh nghiệp lớn bị hạn chế xuất cảnh?


Thứ Năm, 15/12/2016 - 07:13

 Theo nguồn tin riêng của Dân trí, sau một loạt các trường hợp các lãnh đạo, cựu lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí ra nước ngoài và ở lại bằng nhiều lý do khác nhau, Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm soát việc đi nước ngoài của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành. Số lượng cán bộ doanh nghiệp bị hạn chế xuất cảnh hiện nay không phải là con số nhỏ.


Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là bỏ trốn từ tháng 7/2016 và đến nay vẫn bặt vô âm tín
Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là bỏ trốn từ tháng 7/2016 và đến nay vẫn "bặt vô âm tín"
Từ khoảng một tháng gần đây, nguồn tin của Dân trí cho biết, Bộ Công Thương đã có những động thái siết lại quản lý việc các lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty đi nước ngoài, công tác . Đồng thời, yêu cầu báo cáo về các trường hợp xin nghỉ ốm hay có những việc cá nhân bất thường.
"Lãnh đạo cũng có yêu cầu quản lý chặt hơn việc sử dụng hộ chiếu của lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty lớn", nguồn tin này cho biết.
Đặc biệt với riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các nguồn tin từ Bộ Công Thương và từ Tập đoàn này cho biết, cơ quan chức năng đã gửi một danh sách yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn này kiểm tra, rà soát, theo dõi và có biện pháp quản lý việc xuất cảnh với một số lượng cán bộ lãnh đạo của PVN và các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn này.
Những cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nói trên được cho là có liên quan đến những vụ việc mà cơ quan chức năng đang kiểm tra làm rõ như tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Công ty Hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PV-Tex)...với nhiều dự án liên quan như Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học EThanol Phú Thọ, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II...
Trả lời câu hỏi của Dân trí là có bao nhiêu cán bộ doanh nghiệp thuộc dạng này đang bị hạn chế, tên tuổi, chức danh, nguồn tin của Dân trí không tiết lộ cụ thể nhưng cho biết, đó là con số khá lớn. "Không thể tiết lộ cụ thể nhưng số người được yêu cầu theo dõi, kiểm soát không dưới 100 người", nguồn tin của Dân trí cho biết.
Như Dân trí đã đưa tin, vừa qua đã có hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã có đi nước ngoài với nhiều lý do khác nhau: Xin đi chữa bệnh, xin đi học...có người được phép, có người không được phép nhưng vẫn đi và "một đi không trở lại".

Ông Lê Chung Dũng, nguyên là Phó Tổng giám đốc PVC dưới thời ông Vũ Đức Thuận (đã bị khởi tố, bắt tạm giam)

Ông Lê Chung Dũng, nguyên là Phó Tổng giám đốc PVC dưới thời ông Vũ Đức Thuận (đã bị khởi tố, bắt tạm giam)
Gần đây nhất là ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc PV Power được xác định là lấy lý do nghỉ phép (đã được phép) đã đi ra nước ngoài từ 20/10/2016 đã ở lại nước ngoài với lý do theo học một khoá học lấy bằng MBA ở Singapore và không được phép của Tổng công ty, đã ở lại và hiện "không thể liên lạc được".
Một trường hợp khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định ngày kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) sau khi ông này xuất cảnh hơn 1 tháng và chưa nhập cảnh trở lại.
Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh hồi tháng 9 vừa qua bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố do tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh cũng đã từng là Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) trước khi chuyển về Bộ Công Thương, liên tục được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ khác nhau rồi được thuyên chuyển về tỉnh Hậu Giang, làm đến chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh được cho là rời Việt Nam cuối tháng 7khi gửi đơn đến Tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7. Ngày 19/8, ông gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đó.

Theo chân một số sếp doanh nghiệp lớn trước đó, ông Vũ Đình Duy cũng được cho là đã cao chạy xa bay

Theo chân một số "sếp" doanh nghiệp lớn trước đó, ông Vũ Đình Duy cũng được cho là đã "cao chạy xa bay"
Trước đó nữa, năm 2012, ông Trịnh Xuân Thảo, cựu Giám đốc Công ty CP Thi công cơ giới và Lắp máy Dầu khí (PVC-ME) đã bỏ trốn sang Mỹ và hiện vẫn trong danh sách truy nã quốc tế của Bộ Công an.
Trong nhiều bản tin gần đây của Dân trí, đã có nhiều độc giả bức xúc, lên tiếng về tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn. Phần lớn các ý kiến bình luận gửi tới Dân trí đều đề nghị cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa việc quản lý việc đi công tác nước ngoài của những lãnh đạo doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm để tránh tình trạng có người tham nhũng của công rồi trốn đi nước ngoài sống phè phỡn bằng đồng tiền tham nhũng được.
Trong những kiến nghị kiểm soát, hạn chế xuất cảnh, có cả những kiến nghị kiểm soát, hạn chế xuất cảnh đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Biệt thự đứng tên sở hữu Công ty TNHH Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch bị yêu cầu ngừng giao dịch sau khi ông Thanh bỏ trốn
Biệt thự đứng tên sở hữu Công ty TNHH Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch bị yêu cầu ngừng giao dịch sau khi ông Thanh bỏ trốn
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, một số cá nhân có liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh vừa qua cũng bị hạn chế xuất cảnh để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan chức năng. Một số tài sản lớn của gia đình ông Thanh như căn biệt thự tuyệt đẹp trị giá khoảng 100 tỷ đồng trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), theo như lời lãnh đạo thị trấn Tam Đảo tiết lộ cho Dân trí, cũng được yêu cầu ngừng giao dịch làm giấy tờ sang nhượng trong thời điểm này.     

theo Dân trí

theo Dân trí

Mạnh Quân