Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Những thương hiệu 'vang bóng một thời' của Việt Nam

Những thương hiệu làm đẹp 'vang bóng một thời' của Việt Nam

   Có lẽ các bạn trẻ ngày nay khó có thể tưởng tượng ra trong quá khứ, từng có những thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam đánh bại hàng ngoại nhập, thậm chí vượt ra khỏi phạm vi biên giới đất nước và được yêu thích ở các nước bạn.
Có lẽ thế hệ 9X, 10X bây giờ khó có thể tưởng tượng rằng trong quá khứ đã từng có những thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam đánh bại hàng ngoại nhập, thậm chí vượt ra khỏi phạm vi biên giới đất nước và được yêu thích ở các nước bạn. Đó là thời kỳ "hoàng kim" của mỹ phẩm Việt khi các mặt hàng ngoại nhập hoàn toàn bị các sản phẩm Việt Nam lấn át như xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos hay Phấn nụ cung đình, .... Hãy cùng Depplus điểm qua các mặt hàng mỹ phẩm Việt Nam từng "vang bóng một thời".
Xà bông Cô Ba

"Xà bông Cô Ba
Thơm lạ thơm lùng
Chung vô mùng vẫn còn thơm
Gội chí té nhào, gội gầu té ngữa , gội ba bốn bữa vẫn còn thơm, mại vô mại vô… "
Nhắc đến xà bông Cô Ba, người ta nghĩ ngay tới một hãng mỹ phẩm đánh bật cả xà bông Pháp, làm mê mẩn mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, từ những bà đầm tư sản, cho tới các gia đình lao động. Vào thời điểm đó, thị trường xà bông ở Việt Nam chủ yếu là hàng Pháp nhập vào, gọi chung là xà bông Marseille. Xà bông trong nước rất ít, chỉ có một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm thị phần không đáng kể, phần lớn họ sản xuất xà bông “đá” có mùi khó chịu, chỉ để rửa tay hay giặt giũ cho giới lao động, ít ai dám mạo hiểm đầu tư vào mảng xà bông thơm để tắm gội. Và xà bông Cô Ba ra đời, có mặt trên hầu hết các tiệm tạp hóa ở miền Nam.
Điều đặc biệt ở loại xà phòng vừa thơm vừa nhiều bọt này là trên vỏ bọc không hề ghi chữ Cô Ba, nhưng in hình một người con gái đẹp ở góc nhìn nghiêng, tóc búi đặc trưng người Việt Nam. Người ta đồn rằng Cô Ba này chính là một Huê Khôi Sài Gòn những năm 1950, nhưng thực ra lại chính là hình ảnh vợ người sở hữu sản phẩm này - ông Trương Văn Bền. Theo lời ông Philippe Trương, cháu của ông Bền, bà Ba khi còn trẻ vốn là người đẹp nổi tiếng miền Nam, từng được mệnh danh là Hoa khôi Lục tỉnh.

Nhờ chất lượng tốt, giá thành thấp, Xà Bông Cô Ba nổi tiếng không những tại Việt Nam, mà còn lan rộng sang tận xứ Cao Miên và Lào, thậm chí còn xuất qua Hương Cảng, châu Phi và Tân Đảo.
Sau năm 1975, Công ty Trương Văn Bền và các con trở thành Nhà máy hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995 trở thành Công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp liên doanh với Tập đoàn Procter & Gamble, thương hiệu xà bông Cô Ba được sử dụng lại nhưng không bán được nhiều bởi hơn vài chục năm đứt quãng đủ để một thương hiệu mai một trong tiềm thức người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, theo trào lưu "tìm về tuổi thơ", các bạn trẻ lại bắt đầu rộ lên mốt tìm và sưu tập các nhãn hàng Việt Nam từng vang bóng một thời - và Xà bông cô cũng không ngoài xu thế đó, trở thành một vật phẩm "hot" được săn đón. Tuy nhiên, thật đáng buồn, thương hiệu này đã chính thức dừng sản xuất từ năm 2015."
Phấn nụ bà Tùng
Phấn nụ gia truyền bà Tùng, thực chất là phấn nụ cung đình, thường được pha chế và sản xuất cho các phi tần mỹ nữ trong triều Đình nhà Nguyễn, được một người cung nữ nắm giữ bí quyết chế tạo. Sau năm 1945 khi triều đình nhà Nguyễn suy vong, người cung nữ được giao bí mật về phấn nụ trở về cuộc sống đời thường, bà tiếp tục bào chế phấn nụ để bán cho dân chúng dùng và phấn nụ khi đó đã từ chốn thâm cung bước ra để đi vào đời sống của phụ nữ thời bấy giờ, được nhiều chị em yêu thích.

Được biết bà Tùng và em gái là bà Phương là cháu ngoại của người cung nữ bào chế phấn nụ khi xưa, hiện mở hai cơ sở kinh doanh tại Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, trong một phóng sự, bà Phương chia sẻ cả hai chị em vẫn phải về Huế bào chế mỹ phẩm bởi chỉ có nước mưa Huế mới làm được phấn nụ. Nước phải hứng nước trời và chỉ lấy nước sau trận mưa thứ hai trở đi. Sau đó nước phải được lọc sạch, cho vào bể lớn, đậy kín dùng để sản xuất phấn quanh năm. Nguyên liệu chính là nhũ thạch cao loại hảo hạng của Trung Quốc, trắng mịn và không có tạp chất, cùng với 10 vị thuốc bắc bảo đảm vệ sinh (cũng hết sức bí mật). Công thức pha chế phấn chỉ được tiến hành trong phòng kín, chỉ có bà Phương và bà Tùng thực hiện. Để hoàn thành sản phẩm, nguyên liệu phải trải qua quy trình phơi sương, phơi gió hết sức nghiêm ngặt.
Cho đến ngày nay, cả hai chị em vẫn sản xuất thương hiệu phấn nụ này. Phấn nhà bà Tùng thì đựng trong hộp nhựa trông lịch sự hơn, còn phấn nhà bà Phương thì để trong túi nilon và cho vào hộp giấy, không có hộp nhựa đựng phấn. Bao bì sản xuất đơn giản, sơ sài và khá thủ công này vẫn được chị em truyền tay, rỉ tai nhau bởi danh tiếng và tác dụng của nó.
Kem đánh răng Dạ Lan

Dạ Lan lại là thương hiệu Việt vang bóng một thời, được người tiêu dùng yêu thích, từng chiếm lĩnh 70% thị phần kem đánh răng nội địa những năm 1993 - 1994. Thương hiệu này được ông Trịnh Thành Nhơn bắt tay thành lập vào năm 1988 và rất nhanh chóng "làm mưa, làm gió" thị trường, đánh bật các dòng sản phẩm từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào khoảng những năm 1995, khi các tập đoàn kinh doanh nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, ông Trịnh Thành Nhơn - cha đẻ thương hiệu Dạ Lan quyết định bán thương hiệu này cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD, vì mong muốn tập đoàn 200 tuổi đời này sẽ tiếp tục phát triển tốt thương hiệu Dạ Lan. Sau khi mọi thủ tục chuyển nhượng và liên doanh hoàn thành, thương hiệu Dạ Lan chỉ tồn tại vỏn vẹn 3 tháng. Kem đánh răng Colgate xuất hiện thế chỗ và phát triển cho đến nay. Năm 2009, Dạ Lan lại được đưa trở lại thị trường Việt, và thuộc sở hữu của công ty Hóa Mỹ phẩm Quốc tế (ICC)
Kem đánh răng Hynos

Có lẽ ai sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975 cũng đều quá quen thuộc với hình ảnh anh Bảy Chà Và đen trên hộp kem đánh răng Hynos của ông chủ Vương Đạo Nghĩa. Vương Đạo Nghĩa chọn hình ảnh một ông Chà Và da thật đen làm biểu tượng quảng cáo cho sản phẩm của mình cũng chính bởi vì nước da ngâm đen sẽ làm nổi bật lên hàm răng trắng.

Năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan rồi lại liên doanh với các công ty nước ngòai và đổi tên thành công ty Hóa phẩm P/S. Tuy nhiên sau khi nhượng vốn liên doanh cho Unilever, công ty Hóa phẩm P/S quay lại sản xuất kem Hynos. Vẫn sử dụng nụ cười anh Bảy Chà Và trên vỏ hộp kem, đồng thời làm mới bằng hình ảnh gia đình hiện đại, Hynos đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị, dù số lượng chưa thật nhiều.
Mỹ phẩm Thorakao

"Trong đạo Tin lành, chữ Tho là thiên thần, Kao là kem, Ra là ánh sáng. Thorakao là dùng kem sẽ tỏa sáng như thiên thần" - đó là những gì bà Lan Hảo, người sáng lập hãng mỹ phẩm chia sẻ về thương hiệu mỹ đã có hơn 60 năm tuổi đời của mình.
Năm 1957, bà Lan Hảo mở xưởng sản xuất các loại kem dưỡng da mang tên Lan Hảo, thị trường miền Nam lúc đó cũng đang tràn ngập mỹ phẩm của Pháp. Kem của Lan Hảo, được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên nội địa như trân châu, dầu thực vật, thạch cao, đông dược có hơi mùi thuốc bắc không thể hấp dẫn người mua, nhất là khi đặt lên bàn cân bên cạnh những lọ kem đến từ kinh đô thời trang. Đó cũng là giai đoạn tỏa sáng rực rõ nhất trong hành trình hơn 60 năm của Thorakao, khi thương hiệu này không chỉ đứng vững tại Việt Nam mà còn đủ sức xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Tới năm 1975, đất nước giải phóng và chuyển sang chế độ tập trung bao cấp, Thorakao dần lụi tàn.
Phải chờ tới năm 1987, khi Nhà nước khuyến khích tư nhân vào sản xuất, ông Huỳnh Kỳ Trân, con trai bà Lan mới nghỉ nghề giảng viên để cùng vợ quay về khôi phục thương hiệu gia truyền.
Tới nay, Thorakao vẫn là một mặt hàng nội địa rất được ưa chuộng bởi sự lành tính, giá thành rẻ cũng như sẵn có của mình. Trong cơn sốt mỹ phẩm ngoại tràn lan, Thorakao vẫn luôn giữ vững phong độ và thậm chí còn đang có đà trỗi dậy với sự tin tưởng và ủng hộ của người tiêu dùng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét