Thứ ba, 13/12/2016 | 10:06 GMT+7
Một cá nhân được đặc cách tuyển dụng nhờ có năng lực thực sự, tài trí hơn người liệu có tránh được bị dư luận "soi xét" nếu bản thân họ xuất thân từ gia đình quyền lực?
Thời gian qua, có rất nhiều phân tích chỉ ra nguyên nhân nội tại của việc du học sinh tài năng "đi mãi, không về" hay một bộ phận lớn người trẻ không "mặn mà" làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, các phân tích cũng đề cập thẳng tới chế độ đãi ngộ chưa tương xứng và còn nhiều bất cập của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước đối với lớp người trẻ tuổi, tài năng này.
Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và thực hiện chính sách bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người tài được coi là công việc tối quan trọng, là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nắm bắt được yêu cầu cốt lõi đó, nhiều cơ quan, tổ chức đã quan tâm nhiều hơn tới việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao bằng nhiều hình thức "chiêu hiền, đãi sĩ" thông qua nhiều chế độ biệt đãi, ưu đãi. Theo đó, người tài có thể được hưởng đặc cách về hình thức tuyển dụng (có thể không cần thi tuyển); được hỗ trợ về nhà ở, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại, chế độ lương hấp dẫn (cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cơ quan)...
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, khi bước vào công cuộc "hiện thực hóa" chủ trương "chiêu hiền, đãi sĩ", không ít cơ quan, tổ chức phải đối mặt với sự phán xét của dư luận về việc có hay không sự biệt đãi người tài hay đây chỉ là cách hợp thức hóa ưu đãi dành cho nhóm đối tượng "con ông cháu cha". Và do không có được sự phân định rõ ràng giữa hai vấn đề này nên tranh cãi kéo dài, kéo theo đó, một bộ phận người dân bị mất niềm tin trong việc tìm kiếm công bằng đối với những người tài năng thật sự.
Sợi dây phân định giữa "nhân tài" và "con ông cháu cha" trong tuyển dụng còn nhiều mập mờ. Minh họa: Ngọc Diệp/Dân trí |
Liên quan tới chủ đề được đề cập ở trên, cách đây không lâu, dư luận lùm xùm vụ việc một thanh niên trẻ được tuyển dụng làm tập sự thử việc mà không qua thi tuyển, và chỉ 18 tháng sau, tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của một cơ quan khi vẫn đang du học ở nước ngoài. Trong khi đó, độ tuổi của thanh niên này mới chỉ kịp chạm đến con số 26. Hay như hồi tháng 6, dư luận cũng tập trung "chĩa mũi nhọn" vào một thanh niên trẻ khi người này được giao trọng trách đảm nhận nhiều vị trí quan trọng ở Bộ Công thương và được xếp vào ghế lãnh đạo của một công ty cổ phần có 90% vốn điều lệ thuộc Nhà nước.
Nếu những người trẻ tuổi trên thực sự chưa đủ tầm để có thể đảm nhận những trọng trách và chức vụ quan trọng thì quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng họ tất yếu cần phải được kiểm tra lại. Trong trường hợp này, những người không có thực tài lại được trọng dụng, biệt đãi sẽ khiến dư luận khó tránh khỏi nhận định "con ông cháu cha" hay nhân sự được đặc cách vì được thừa hưởng thành quả từ các mối quan hệ của người thân. Tuy nhiên, xét ngược lại, nếu những thanh niên trẻ này thuộc lớp người tài năng hiếm có, thì dư luận cũng cần rộng đường để những người như họ có cơ hội được thể hiện tài năng của mình, thông qua những đóng góp đối với cơ quan, tổ chức.
Thanh niên tuổi trẻ tài cao, bằng cấp đều trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, thông thạo tới vài ngoại ngữ và đều tốt nghiệp hàng xuất sắc ở các trường Đại học danh giá thì đấy đúng là nhân tài "hiếm có khó tìm". Do vậy, những cơ quan, tổ chức lựa chọn, chiêu mộ và trọng dụng được những người này là những tổ chức may mắn vì với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cộng với tài trí hơn người, những nhân tố mới này sẽ có những đóng góp không nhỏ với tổ chức trong tương lai. Và đối với những người tài năng, thì điều dư luận cần quan tâm nhất chính là việc họ hoàn toàn hội tụ đủ đức - tài để có thể đảm đương được vị trí công việc quan trọng.
Những người đã có thực tài thì dẫu họ có là con em của lãnh đạo hay dân thường đều không phải là vấn đề đáng để đưa ra bàn tán, tranh cãi. Thế nhưng, thông thường, theo chiều xuôi của dư luận, nếu lớp người này xuất thân từ gia đình nghèo khó, là con em của những người "phó thường dân" thì dễ được đánh giá là nghị lực, có tố chất vượt trội, tài năng thiên bẩm và được coi là "điểm sáng" để nêu gương khi họ "tay không" mà có thể thẳng tiến trên đường quan lộ một cách mau chóng. Còn nếu lớp người đó là con em của các gia đình quan chức, thì không khó để dư luận đưa ra nhận định "lại con cháu các cụ cả!". Tuy nhiên, thiết nghĩ, trong trường hợp này, nếu họ là con em lãnh đạo thì lại càng nên khuyến khích chiêu mộ, bởi những người trẻ này sẽ được thừa hưởng nền tảng kinh nghiệm từ các bậc tiền bối, thừa hưởng những mối quan hệ của gia đình đã có trước đó, được định hướng, đào tạo bài bản... và sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện tốt nhất trọng trách công việc của mình.
Vậy nên, khi sợi dây phân định giữa biệt đãi nhân tài và ưu đãi "con ông cháu cha" còn mập mờ thì dư luận sẽ ít đặt niềm tin về việc sẽ có sự công bằng đối với lớp người thực sự tài năng. Và thay vào đó, "học tài, thi lý lịch" sẽ khó tránh khỏi bị nhìn nhận là thực tế xã hội mang tính chất phổ biến./.
Vũ Đậu
Nguồn : Tin Nhanh Online