Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Vợ bé của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã hạ bến bờ Tân Tây Lan

admin
By adminMay 26, 2017 09:43
Vợ bé của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã hạ bến bờ Tân Tây Lan

Việt Nam – Cali Today News – Sau hàng loạt những vụ tai tiếng liên quan đến bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nữ Trưởng phòng Quản lý nhà đất và Thị trường bất động sản của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, mới đây bà này được biết đã hạ cánh bến bờ Tân Tây Lan (Zew Zealand) mang theo khối tài sản kếch xù của mình.
Tin tức trên không phải do báo chí cung cấp, mà lại được tiết lộ bởi ông Lưu Bình Nhưỡng, một đại biểu Quốc hội của tỉnh Bến Tre tại phiên họp vào chiều ngày 25/5. Việc cô Trần Vũ Quỳnh Anh-nữ Trưởng phòng Quản lý nhà đất và Thị trường bất động sản Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, được sự hậu thuẫn của ông chồng hờ là Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đã có bước thăng tiến thần tốc, sở hữu hàng loạt nhà cửa, bất động sản khổng lồ và những chiếc xe hơi đắt tiền đã tiêu tốn giấy mực của báo chí trong nước suốt thời gian dài.

Ông Trịnh Văn Chiến (trái) và tình nhân nóng bỏng Trần Vũ Quỳnh Anh. Ảnh: Internet
Khi sự việc chưa được êm xuôi, các cơ quan của đảng và chính quyền CSVN đề nghị vào cuộc để điều tra người đích thực đứng đằng sau thì cô Trần Vũ Quỳnh Anh bất ngờ hạ cánh sang Tân Tây Lan.
Tại phiên họp Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết:
“Như vụ cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, gây lùm xùm như vậy nhưng bây giờ nghe đâu đi New Zealand. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc. Tôi đã nói nhiều lần về vấn đề này, khi cán bộ có vấn đề chưa được làm rõ thì phải hạn chế xuất cảnh nhưng cuối cùng vẫn để họ rời đi như là một cách trốn chạy trách nhiệm và không để liên quan đến người khác”
Cô Trần Vũ Quỳnh Anh dù chỉ sinh năm 1986, nhưng vào năm 2012, lúc mới 26 tuổi đã mua được căn biệt thự 9 tỷ đồng tại Khu đô thị Đại Thanh Hà Nội.
Căn hộ trị giá cả chục tỷ đồng của cô Quỳnh Anh. Ảnh: Kenh13
Chưa hết, cô còn sở hữu căn biệt thự với 3 mặt tiền tại khu đô thị bắc đại lộ Lê Lợi (khu đô thị Bình Minh, thành phố Thanh Hóa). Sau những lùm xùm tai tiếng, cô đã chuyển đổi chủ sở hữu sang cho mẹ của mình.
Ngoài những tài sản về bất động sản, dù còn rất trẻ tuổi, lại đang làm việc tại phòng Quản lý nhà đất và Thị trưởng bất động sản với đồng lương còm, nhưng cô Trần Vũ Quỳnh Anh sở hữu rất nhiều cơ sở giải trí, vui chơi và chiếc xe hạng sang hiệu Cadillac.
Theo giới thạo tin cho biết, ban đầu cô Trần Vũ Quỳnh Anh chỉ là chân chạy vặt tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, nhưng nhờ vào nhan sắc cô đã lọt vào tầm mắt của Giám đốc Sở Xây dựng vào thời kỳ đó là ông Ngô Văn Tuấn. Về sau, để phục vụ cho mục đích thăng tiến của mình, ông Tuấn đã “nhường” cô Trần Vũ Quỳnh Anh cho Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa là Trịnh Văn Chiến. Kết quả, ông Tuấn trở thành phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa còn ông Trịnh Văn Chiến với cô Trần Vũ Quỳnh Anh có hai người con.
Những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi, nào ngờ trong phong trào “đả hổ diệt ruồi” mà thực chất là thanh trừng nội bộ do Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, vụ việc của ông Trịnh Văn Chiến và cô vợ bé Trần Vũ Quỳnh Anh được phơi bày trước dư luận.
Ban đầu, Tỉnh ủy Thanh Hóa dưới sự chỉ thị của ông Trịnh Văn Chiến đã có những hành động mạnh mẽ, nhằm bảo vệ thanh danh cho mình. Ông Chiến đã yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ công an vào cuộc để xử lý, dẹp ngay những tin tức bất lợi được đăng tải trên những blog, tờ báo lề trái. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã lên tiếng phản bác những tin tức bất lợi cho ông Chiến, gọi đó là “luận điệu xuyên tạc” nhằm bôi nhọ, làm mất uy tín của lãnh đạo.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, những tin tức liên quan đến cô Trần Vũ Quỳnh Anh lại đột ngột xuất hiện trên một loạt tờ báo trong nước. Đi hàng đầu là tờ Thanh Niên với những bài liên tục nhắm vào cô Trần Vũ Quỳnh Anh, mà thực chất là nhằm hạ bệ ông Trịnh Văn Chiến. Ngay sau đó, biết không thể đấu với bà nhà nước được sự chỉ thị từ Ban Tuyên giáo Trung ương mà phía sau là những Ủy viên Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phải xuống nước, lập ra công văn đề nghị báo chí nhà nước ngừng đăng tải những tin tức về việc thăng tiến của cô Trần Vũ Quỳnh Anh. Cùng với đó, chính quyền tỉnh Thanh Hóa hứa sẽ xử lý rốt ráo những người liên quan đến việc thăng tiến của cô này.
Trong khi mọi chuyện chưa đâu vào đâu, cô Trần Vũ Quỳnh Anh với khối tài sản bất minh, có được từ việc tham nhũng mà có không được thanh tra thì cô này đột ngột từ chức, không còn làm ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Sự việc từ đó rồi chìm vào quên lãng. Dư luận cũng không còn nhắc đến. Cho đến hôm nay, từ đại biểu Quốc hội CSVN, ông Lưu Bình Nhưỡng tiết lộ cô Quỳnh Anh đã hạ cánh đến Tân Tây Lan và không quên mang theo khối tài sản kếch xù và những bí mật liên quan đến các lãnh đạo cao cấp tỉnh Thanh Hóa. Sự việc liên quan đến ông Trịnh Văn Chiến từ đó cũng chìm dần, vì đấu mối duy nhất đã không còn ở Việt Nam.
Nguoi Quan Sat
http://www.baocalitoday.com/tin-tuc/chinh-su-viet-nam/vo-be-cua-bi-thu-tinh-uy-thanh-hoa-da-ha-ben-bo-tan-tay-lan.html

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Bộ Chính trị kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao

 Đó là nhóm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thuỷ trao đổi xung quanh việc Bộ Chính trị vừa ban hành quy định việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản cán bộ với chủ thể giám sát chính là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra trung ương.

Vụ “biệt thự quan chức”: Thông tin phản ánh là căn cứ kiểm tra
- Những ngày qua, báo chí rất nóng về “phố biệt thự” đắt tiền của quan chức Lào Cai. Lại một lần nữa, dư luận dấy lên những băn khoăn, nghi vấn về chuyện tài sản, thu nhập của cán bộ, quan chức. Với những trường hợp này, từ góc độ của cơ quan kiểm tra cấp cao nhất của Đảng, theo bà, các cơ quan có nên vào cuộc làm rõ để trả lời dư luận?
- Những sự việc khi báo chí phản ánh thì thuộc trường hợp cán bộ có phản ánh, kiến nghị, đơn thư tố cáo. Tuy nhiên vấn đề cần phải làm rõ là các khu biệt thự đó là của ai, đối tượng này thuộc diện ai quản lý? Nếu đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì chắc chắn là Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ phải vào cuộc. Còn thuộc diện Ban Thường vụ Lào Cai quản lý thì Ban Thường vụ sẽ chỉ đạo làm, vì việc này thuộc trường hợp có thông tin, dư luận phản ánh.
Vấn đề là phải bám sát theo thẩm quyền. Theo quy định mới của Bộ Chính trị, UB Kiểm tra là một chủ thể giám sát nhưng giới hạn trong diện cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
- Trong vụ việc này, nhiều biệt thự được xác định thuộc sở hữu của gia đình các quan chức “đầu tỉnh”, còn lại là của gia đình cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Nếu cơ quan kiểm tra cấp dưới không phản ứng, UB Kiểm tra trung ương có chỉ đạo không, thưa bà?
- Trong trường hợp này, ở mỗi địa bàn, UB Kiểm tra trung ương đều có cán bộ chuyên quản, người ta sẽ có trách nhiệm trao đổi với các lãnh đạo ở đấy là việc như thế này, thông tin như thế nào thì phải minh bạch và trả lời các phương tiện thông tin đại chúng biết sự việc đó như thế nào.
Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thuỷ
Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thuỷ
Quy định mới "phủ" 1.000 cán bộ cấp cao
- Bà có thể nói cụ thể về quy định mới của Bộ Chính trị về vấn đề kiểm soát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như đã đề cập?
- Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là việc kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ chứ không phải chưa kiểm tra, giám sát. Có rồi, nhưng chưa thành hệ thống bài bản.
Do đó, vừa rồi UB Kiểm tra Trung ương đã xây dựng quy định quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này đã được Bộ Chính trị chính thức ban hành vào ngày 23/5 vừa qua và có hiệu lực ngay tức thì.
Trong quy định này, Bộ Chính trị đã quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UB Kiểm tra Trung ương. Còn chủ thể giám sát đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra trung ương và các chi bộ mà các cán bộ đó đang sinh hoạt. Ở cấp dưới cũng có quy định tương tự như vậy.
- Văn bản này, như vậy, sẽ “phủ” được số lượng cán bộ thế nào? Trong trường hợp nào cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cấp cao?
- Hiện có khoảng một nghìn cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Còn về quy định kiểm tra thì từ nay trở đi sẽ có lộ trình kế hoạch cụ thể về việc kiểm tra, giám sát tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Bên cạnh đó, khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu cần phải kiểm tra giám sát tài sản của cán bộ này, cán bộ kia thì UB Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành thực hiện.
Ngoài ra, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực và khi cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có dấu hiệu vi pham quy định của Đảng, nhà nước về kê khai tài sản thì các cơ quan sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát để làm rõ.
Kiểm tra khi có thông tin phản ánh tài sản không trung thực
- Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình kiểm tra, giám sát nên được đặt ra ngay trong quá trình bổ nhiệm cán bộ, thưa bà?
- Lâu nay quy trình kiểm tra tài sản khi bổ nhiệm cán bộ là đã có rồi. Tất cả khâu trong quy trình này đã được cơ quan tổ chức làm rồi và bây giờ vẫn tiếp tục quy trình làm bình thường như thế chứ không phải vì có quy định này mà việc đó thay đổi.
Còn quy định mới chỉ điều chỉnh khi có 3 yếu tố mà tôi đã nói ở trên, tức là có kế hoạch, có yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo việc kê khai tài sản không trung thực và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước.
- Khi kiểm tra nếu phát hiện có việc kê khai tài sản không trung thực thì việc xử lý như thế nào?
- Toàn bộ việc kê khai tài sản không trung thực thì được xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước. Hiện các cơ quan của Đảng cũng đang sửa đổi quy định về hình thức xử lý nếu kê khai tài sản không trung thực, không đầy đủ. Còn quy định của Nhà nước, tới đây sửa luật phòng chống tham nhũng cũng sẽ quy định rõ, Chính phủ cũng sẽ sửa nghị định về kỷ luật cán bộ cũng liên quan đến việc này.
Bên cạnh đó, toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản được thực hiện theo đúng quy trình kiểm tra giám sát của Đảng. Có nghĩa là sau khi làm xong, UB Kiểm tra trung ương sẽ có thông cáo và công khai rất đầy đủ để trên cơ sở đó các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi; đồng thời các tổ chức, cá nhân, nhân dân biết sự việc.
- Với gần 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, hàng năm khi xây dựng kế hoạch có đặt ra chỉ tiêu như kiểm tra bao nhiêu % không?
- Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định rồi thì UB Kiểm tra Trung ương sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch như thế nào. Việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền ra sao? Rồi việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh hay khi có dấu hiệu vi phạm về kê khai tài sản… Có nghĩa là sẽ có một hướng dẫn cụ thể để trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch như thế nào để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc.
Tuy nhiên, theo tôi việc có bao nhiêu cuộc kiểm tra hay bao nhiêu cán bộ bị kiểm tra, giám sát tài sản trong một năm không phải vấn đề quan trọng. Vấn đề là khi thấy các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, các trường hợp có đơn thư phản ánh việc kê khai không trung thực thì được kiểm tra xem xét ngay, kịp thời.
- Xin cảm ơn bà​!
http://dantri.com.vn/chinh-tri/bo-chinh-tri-kiem-tra-tai-san-cua-1000-can-bo-cap-cao-2017052708082114.htm
P.Thảo (ghi)

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Lo ngại chất lượng đại biểu Quốc hội



Nhiều phát biểu tại Nghị trường Quốc hội đang gây tranh cãi dữ dội. Trong ảnh: Đại biểu Nguyễn Thị Thủy là một tiến sĩ Luật phát biểu tại Nghị trường Quốc hội gây tranh cãi khi đề nghị đưa vào luật quy định nếu luật sư không tố giác thân chủ phạm tội, thì luật sư sẽ phạm tội.

Đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân, đem tiếng nói của dân vào nghị trường, và nghiên cứu làm luật. Nhưng hoặc vì không xác định được mình đứng ở đâu, hoặc có thể vì sự hiểu biết chưa “tới”, có những phát biểu nhiều khi ngớ ngẩn, sai luật, và không hướng về đại diện cho dân, thậm chí có khi còn đưa ra những quy định đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người trao cho mình bổn phận đại diện.
Cách đây 4 năm, tháng 6/2013, đại biểu Huỳnh Thành đề nghị tại kỳ họp Quốc hội, là nên sửa lời bài hát “Tiến quân ca”, hiện đương là bài quốc ca của nước Cộng hòa xã hộ chủ nghĩa Việt Nam.
Ý kiến này cho thấy đại biểu Thành không biết gì về luật Sở hữu trí tuệ, về quyền tác giả đối với tác phẩm! Tác phẩm văn học nghệ thuật mà muốn sửa sao thì sửa, thì có ngày người ta cứ thích thì sửa văn sửa thơ sửa nhạc, sửa bất cứ tác phẩm nào của ai cũng được?
Nên nhớ rằng gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng bản nhạc “Tiến quân ca” cho Nhà nước, là người dân được hát mà Nhà nước không phải bỏ tiền ra mua bản quyền. Chứ với quyền tác giả đối với tác phẩm thì vẫn nguyên vẹn, không ai được phép sửa tác phẩm của người khác nếu không có sự đồng ý của người đó hoặc người được ủy quyền đại diện.
Nói tới đây lại cứ nhớ đến cách ta hơn thế kỷ, thi hào Tú Xương đã dạy:
Văn chương đâu phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu!
(Bác cử Nhu – Trần Tế Xương)
Lại mới tức thì đây thôi, hôm qua 24/5, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một nữ đại biểu là tiến sĩ Luật, đang có phẩm trật ở cơ quan luật cấp trung ương, đã đề nghị đưa quy định luật sư phải tố cáo thân chủ vào bộ luật Hình sự sửa đổi, nếu không tố cáo thì luật sư sẽ bị khởi tố về tội “che giấu tội phạm”.
Nói như vậy thì có lẽ giới luật sư phải bỏ nghề chạy đi hành nghề khác.
Luật pháp đặt ra nhằm duy trì, bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội và giáo dục con người. Có luật nào buộc con người, buộc người hành nghề phải phản bội thân chủ, phản bội lương tâm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến như vậy?
Và cũng trong ngày, cũng “na ná”, cũng bàn về bộ luật Hình sự sửa đổi, thêm một nữ đại biểu đề nghị đưa quy định đưa “tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam” vào tội hình sự.
Đại biểu này hoặc có thể đọc luật không kỹ, hoặc đã lo lắng quá mức. Bởi tất cả các hành động chống phá Đảng, Nhà nước, hành động muốn lật đổ chế độ, hành động vu khống hay nói xấu xúc phạm người khác… đều đã có các điều luật khác quy định đầy đủ, vậy cần gì phải thêm một quy định vừa thừa thãi, vừa “đặc cách” riêng cho một đối tượng là lãnh đạo nữa?
Đó là chưa kể, nếu điều này được áp dụng, khi người dân có thông tin tố cáo tiêu cực sai trái của lãnh đạo, liệu rằng sẽ không bị người bị tố cáo sẽ dùng điều luật này để dập tắt bằng cách quy chụp vào các tội danh trên?
Khi đại biểu ứng cử thì có chương trình hành động, có tiếp xúc cử tri, có nhiều hứa hẹn sẽ kiến nghị vấn đề này, giám sát vấn đề kia, tháo gỡ khúc mắc nọ… trong công việc quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước, trong các quy định pháp luật…, có vẻ rất đứng về phía người cầm lá phiếu bỏ cho cho họ. Thế nhưng hình như khi vào nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội quên mất mình đang đứng ở đâu, đại diện cho ai, tới mức đòi bỏ tù luôn cả người đã bỏ lá phiếu cử mình làm đại diện!
http://nhaquanly.vn/lo-ngai-chat-luong-dai-bieu-quoc-hoi-d22193.htmlĐặng Vỹ