Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Giáo dục phổ thông Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu so với Campuchia


Giáo dục phổ thông Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu so với Campuchia

(GDVN) - Thi dễ dãi dẫn đến chẳng ai muốn học thật. Bởi, có học làng nhàng, chơi nhởn nhơ thì vẫn đỗ tốt nghiệp mà có thể đỗ cao. Thế rồi kết quả “ma” cứ thế tràn lan.

LTS: Những năm trước đây, cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích đã góp phần điều chỉnh lại mục đích dạy và học của các nhà trường. 
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng học tập chạy theo thành tích không chú ý đến thực chất đã trở thành một vấn nạn hết sức nguy hại đến nhà trường và toàn xã hội.
Với mong muốn đưa ra những chia sẻ nhằm góp phần đổi mới lại chất lượng đào tạo giáo dục của nước ta theo hướng tích cực, cô Phan Tuyết đã có những quan điểm về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm học 2005-2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã đứng ra tố cáo những gian lận trong thi cử bậc trung học phổ thông thì năm học 2006-2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai cuộc vận động "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục".
Cuộc vận động này bước đầu đạt kết quả tốt, được toàn xã hội đồng tình ủng hộ đặc biệt là giáo viên.
Ảnh chụp clip quay cảnh gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012 tại trường Đồi Ngô, Bắc Giang.
Giáo dục có dấu hiệu khởi sắc
Kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của cuộc vận động "2 không" đã không còn cảnh một số giáo viên môn Toán, Anh văn Lý hoặc Hóa (nếu năm đó Lý, Hóa là môn thi) được giao nhiệm vụ cắm chốt tại trường sở tại làm nhiệm vụ giải bài.
Nhân viên phục vụ làm nhiệm vụ chuyển bài. Phụ huynh thì đóng thêm tiền, học sinh chỉ việc ngồi đợi bài vào thì chép…
Thế nên tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm ấy đã sụt giảm khá nhiều so với những năm về trước.
Điển hình có những trường không có học sinh thi đỗ tốt nghiệp như trường Đinh Tiên Hoàng ở Quảng Ngãi. Nhiều trường học chỉ đạt tỉ lệ dưới 10% so với những năm học trước là gần 100%.
Nhờ hành động dũng cảm của thầy Đỗ Việt Khoa, tháng 7/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào "Hai không" (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử) một cách rầm rộ.
Có thể nói, giai đoạn này, các trường học ở nhiều địa phương trong cả nước không chỉ giáo viên mà học sinh cũng ráo riết chăm lo hơn đến việc dạy và học.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng hơn 30% so với năm 2007

Cái tâm lý cứ học và chơi, thi tốt nghiệp thể nào cũng đỗ đã bị thay thế bằng sự lo sợ nếu học yếu sẽ không thể nào đỗ được.
Thế rồi, các trường đều lên kế hoạch dạy và ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm.
Đã có rất nhiều các biện pháp giúp giáo viên nâng chất lượng dạy, giúp học sinh nâng cao chất lượng học. Nhiều học sinh cũng lao vào học thật sự, bớt nhởn nhơ, chủ quan hơn trước.
Khá nhiều học sinh thổ lộ “nếu không tốt nghiệp được lớp 12 sẽ không thể vào học được một trường đại học nào cả”.
Có lẽ, giáo viên là người vui nhất bởi thầy cô không phải “gào thét”, không phải bắt ép các em phải học hành nghiêm túc như trước đây. Trò hào hứng, cần mẫn học thì thầy cô cũng được tăng thêm sức mạnh vì đã có động lực để dạy.
Chẳng riêng gì bậc trung học phổ thông, hai bậc học tiểu học và trung học cơ sở trước cuộc vận động “nói không với thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” cũng đã có sự chuyển mình rõ nét.
Nhà trường kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng giáo dục, giáo viên dạy có trách nhiệm hơn và nghiêm khắc hơn trong đánh giá nhận xét các em.
Vì ai cũng sợ chất lượng đào tạo của mình bị lỗi lên bậc học cao hơn trò sẽ bị đuối và lương tâm, trách nhiệm cột lên đầu.
Cùng với nhiều biến chuyển như thế, năm học 2006-2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo lại triển khai tiếp Cuộc vận động hai không với bốn nội dung: "Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, vi phạm đạo đức nhà giáo và ngồi nhầm lớp".
Giáo dục đã có nhiều khởi sắc khi trong mỗi trường học việc dạy và học thực chất đã có nhiều biến chuyển mới.
Nếu cứ lấy cái đà này để làm mạnh tay, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cuộc vận động ở các địa phương, cương quyết xử lý những tình trạng vi phạm thì mọi chuyện giờ đây đã đã khác.
Sẽ chẳng thể có chuyện học sinh ngồi nhầm lớp. Chẳng có chuyện học sinh thi đại học 3 môn dưới 10 cũng đỗ vào sư phạm. Hay hàng ngàn điểm 0, điểm liệt trong mỗi kỳ thi.

Tầm nhìn 4.0 và quyết sách táo bạo của Bộ trưởng làm thay đổi giáo dục Campuchia

Đằng này, ngành giáo dục tiếp tục mắc phải sai lầm khi để bệnh hình thức tiếp tục tồn tại và phát triển. Họ trọng báo cáo hơn thực tế.
Người ta biểu dương, tung hô những trường có tỉ lệ 100% học sinh lên lớp thẳng, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, chỉ chích trường có học sinh ở lại, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp.
Người ta cứ hô hào trên miệng còn thực tế lại làm khác.
Thế là bệnh thành tích lại có dịp bùng phát dữ dội dù ở mức ngầm và sự kiện Trường trung học phổ thông dân lập Đồi Ngô năm 2012 là một ví dụ.
Mặc dù kết luật của thanh tra giáo dục thời điểm ấy “hiện tượng tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô chỉ là cá biệt…”.
Nhưng thực chất bên ngoài khá nhiều địa phương (nếu không muốn nói là gần hết thảy) tình trạng học sinh quay cóp bài trong khi thi, đưa bài bên ngoài vào chép…vẫn diễn ra khá phổ biến.
Có điều không ai tố cáo hay quay video và lập biên bản.
Và chỉ vài năm sau đó, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bắt đầu chạm đỉnh 100% như những năm trước đây.
Thi dễ dãi dẫn đến chẳng ai muốn học thật. Bởi, có học làng nhàng, chơi nhởn nhơ thì vẫn sẽ đỗ tốt nghiệp mà có thể đỗ cao hẳn hoi. Trò không muốn học thì thầy cũng chẳng còn đâu nhiệt huyết mà dạy. Thế rồi kết quả “ma” cứ thế tràn lan.
Trở về vạch xuất phát
Sau vài năm thực hiện “hai không” tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt mức 60-70% thì những năm gần đây, nhiều trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chạm đỉnh.
Ngày 28/12 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Cải cách giáo dục ngoạn mục của Campuchia bắt đầu từ thi thật” của tác giả Hồng Thủy.
Chúng tôi biết được Campuchia vực dậy một nền giáo dục lạc hậu hoàn toàn không giống cách làm của nước ta là chi nhiều triệu USD cho việc nhập khẩu phương pháp dạy học mới và thay sách giáo khoa mà chỉ bắt đầu bằng việc thi thật.

"Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích"

Chúng tôi, những nhà giáo có tâm cảm thấy tiếc nuối vì ngành giáo dục của mình đã bỏ qua cơ hội “vàng” trong thời gian thực hiện hai không trước đó.
Đổi mới giáo dục của ta lại bắt đầu từ việc đổ tiền nhập khẩu phương pháp dạy học mới và thay sách giáo khoa, còn thi cử vẫn bị xem nhẹ.
Mới khoảng 20 năm trở lại đây, ngành giáo dục đã nhập khẩu khá nhiều phương pháp dạy học mới từ nước ngoài về. Nào là dạy vẽ theo Đan Mạch, dạy Bàn tay nặn bột của Pháp, đặc biệt nhập luôn mô hình trường học mới VNEN của Colombia.
Cùng với đó, là việc thay sách giáo khoa năm 2000, sách giáo khoa VNEN, sách của Giáo sư Hồ Ngọc đại và chuẩn bị thay sách vào năm 2019 sắp tới.
Nhà nước phải đi vay ngót nghét 3 tỉ USD đầu tư cho giáo dục, nhưng giáo dục ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp diễn ra đáng báo động ở ngay trong những ngôi trường mang danh "chuẩn quốc gia".
Campuchia đã thực thi chính sách “không gian lận” trong giáo dục và thi cử.
Do làm nghiêm nên học sinh biết rằng muốn thi đỗ, chỉ có cách duy nhất là phải học, chứ không thể tìm kiếm cơ may ở đền chùa và trông chờ vào việc quay cóp.
 Nhờ đó "Học sinh đã thay đổi thái độ học tập và văn hóa học tập. Chất lượng học sinh phổ thông đủ khả năng tốt nghiệp và vượt qua kỳ thi tuyển sinh, tạo nền tảng tốt cho giáo dục đại học." 
Bộ trưởng giáo dục Camphuchia Hang Chuon Naron đã có câu nói khá hay “tất cả việc chi tiêu - như chi tiêu cho sách giáo khoa, chi tiêu thêm cho các nguồn lực, ngay cả lương cao hơn cho giáo viên, nếu học sinh không chịu học, thì cũng không thể đạt hiệu quả”. 
Trở về với giáo dục Việt Nam, thời gian thay đổi chương trình sách giáo khoa mới đã cận kề nhưng căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn tồn tại và ngày một nặng hơn. Bởi thế, chúng tôi cũng khó kì vọng giáo dục sẽ chuyển mình theo xu hướng tích cực.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cai-cach-giao-duc-ngoan-muc-cua-Campuchia-bat-dau-tu-thi-that-post182527.gd

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Huế hôm nay

Huế hôm nay

“Huế đã có một ngày giỗ chung cho tất cả mọi người chết, ngày mà người ta nhìn thấy nhiều đống xác người. Nhưng bây giờ lại có thêm nhiều thân người nữa. Sự tàn phá cũng càng ngày càng nhiều. Nước mắt của người dân Huế đã đủ để làm dòng suối nhỏ. Những ngôi mộ ở chùa Áo Vàng, tại Bãi Dâu, tại Kim Long, tại Long Thọ, là những dấu vết của một bạo lực hung ác, không có thể quên được trong tâm hồn những người còn sống.”
hue-homnay-04
Là những dòng chữ viết tay của Trịnh Công Sơn sau Mậu Thân. Tôi đã nghe ông hát Nối Vòng Tay Lớn trưa 30 tháng 4 trên đài phát thanh Sài Gòn. Tôi đã xem phim Đất Khổ, phim duy nhất ông đóng trên nền gạch vỡ của Huế. Tôi muốn tin ông không theo phía bên kia vì đã chứng kiến tận mắt những đầu lâu mà xương sọ bị đập nát. Ông đã nhìn thấy xác vùi nông ở chùa Áo Vàng, chôn tập thể ở Bãi Dâu, Kim Long, Long Thọ. Ông biết rõ phía bên kia tàn ác. Nhưng vì sao ông kêu gọi:
“Tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.
Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước chúng ta.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẽ đến đây với thái độ hoà giải tốt đẹp. Các bạn không có lý do gì sợ hãi để phải ra đi cả.
Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước từ mấy chục năm nay.
Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu cũng như những người chưa quen với tôi xin ở lại và chúng ta kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng Lâm thời để góp tiếng nói xây dựng đất miền Nam Việt Nam này.
Tôi đã gặp tất cả anh em ở trong Ủy ban Cách mạng Lâm thời. Hiện tại chúng tôi đang ở tại đài phát thanh Sài Gòn và tôi mong các bạn chuẩn bị sẵn sàng để đến đây góp tiếng nói, lên tiếng để tất cả mọi người đều yên tâm. Và tôi xin tất cả các anh em sinh viên học sinh của miền Nam Việt Nam này hãy yên ổn kết hợp lại với nhau, khóm phường đều kết hợp chặt chẽ chuẩn bị để đón chờ Ủy ban Cách mạng Lâm thời đến.
Xin chấm dứt. Và tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn ghi-ta. Tôi xin hát lại cái bài “Nối vòng tay lớn”. Hôm nay thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết.”
Vì ông muốn chấm dứt chiến tranh, chấm dứt cảnh người Việt giết người Việt, bằng mọi giá? Lời khuyên ở lại của ông không ai theo, trừ những gia đình không phương tiện, thuyền nhân sẽ chứng minh là ông sai.
Tôi vẫn muốn giữ lại trang tùy bút ông viết, vì ông đã xúc động, giận dữ và buồn bã thật sự. Ông đã kết án và chứng nhận thảm sát Mậu Thân có thật, điều mà tất cả anh em ở trong Ủy ban của ông đến hôm nay vẫn chối. Nhưng ông đã ra đi và hai tháng nữa là Tết Mậu Tuất, đã 50 năm Mậu Thân. Một Tết kinh dị “không có thể quên được trong tâm hồn những người còn sống.”
Trần Vũ
Một cửa sổ của căn phòng bẩn thỉu nơi tôi đang sống đã nhìn ra phía ngoài một góc thành phố đông đúc. Trong một buổi chiều, tôi nằm dài yên lặng trên ghế bố, nhìn ra ngoài cửa và tôi nhớ Huế.
Từ cửa sổ ngó ra, Huế, là hai cây bông bụt đỏ ối, những làn mưa nghiêng nghiêng trong một bầu trời ảm đạm.
Mỗi năm vào tháng này, tôi đi Huế. Ði ở đây, có nghĩa là trở về với những cái gì tầm thường nhưng quý giá: một căn nhà chật hẹp, một tô bún bò gạo giã, bạn bè tại những quán cà phê nhỏ Mệ Tồn và giữ Huế trong tay suốt mùa hạ. Bản chất của Huế nằm trong kích thước nhỏ bé của nó. Nó không ồn ào và bận rộn. Những lề đường của Huế thân mật. Trên con đường của thành phố, bạn có thể giơ tay vẫy bạn bè suốt ngày. Khách lạ mới tới Huế có cảm tưởng rằng tất cả mọi người ở Huế đều có họ hàng với nhau.
hue-homnay-03
Trước hết, tôi trở về để thưởng thức những vật tầm thường nhỏ bé đó. Tôi đã thưởng thức nó trong một thời gian ngắn trước khi biến cố Mậu Thân xảy ra.
Một sự sợ hãi lớn lao đã đến với Huế. Thật là điều khó khăn đối với tôi để quên, mùi xác thịt thối rữa trên đường Lê Lợi khi tôi cùng gia đình tản cư ngang qua đó. Hai hàng cây trước kia che chở đại lộ bằng những bóng mát cũng bị tróc gốc và trở thành những chướng ngại vật cho chúng tôi.
Nhìn vào Huế tháng Hai, tôi thấy một bộ mặt sụp đổ của thành phố cổ kính. Tôi nghe giọng buồn nhất ở khắp nơi trong địa ngục kéo dài suốt tháng này. Họ là những người còn sống sót trong những cuộc chém giết, dường như họ chỉ còn thân xác mà không còn hồn. Nỗi buồn trốn mất khi nỗi đau khổ quá lớn. Tất cả dân Huế sống cùng với nhau trong suốt khoảng thời gian nguy hiểm nhất, đều đã thở bầu không khí bẩn thỉu nhất của trại tị nạn. Tất cả đều đã được biết sự tận cùng của đau khổ. Tôi nhìn những căn nhà bên kia sông bị nổ tung vì đạn đại bác, tạc đạn rơi trên dòng sông Hương, làm mặt nước tung bọt trắng xoá. Trong những ngày đầu của trận chiến, gia đình và tôi ngồi yên lặng trong nhà. Buổi sáng đi qua trên những khuôn mặt khổ não. Các anh tôi và tôi ngồi nhấp nháp rượu trong khi đạn réo ngang đầu. Qua khung cửa, chúng tôi nhìn thấy những người lính Bắc-Việt di chuyển, nấu ăn, đào hố trong vườn trước mặt nhà. Ðó là những ngày đẹp trời của mùa xuân, với những giọt mưa nhẹ như sợi chỉ đan vào nhau và không khí lành lạnh. Tôi muốn tản bộ dọc theo những con đường đầy bóng mát trước cửa nhà. Tôi muốn có cốc cà phê ở một tiệm bên kia sông, trong nội thành, đằng trước Trường Âm nhạc và Mỹ thuật.
Nhưng tôi đã ngồi bất động hơn 15 ngày. Anh tôi và tôi ví những ngày của chúng tôi với những ngày của Anne Frank.
Tôi không biết bây giờ những gì có thể tìm thấy, khi tôi trở về Huế. Những cây cầu bắc ngang qua dòng sông nhỏ đã bị gãy. Tất cả mọi cây cầu An Cựu, Khe Ron, Phú Cam, Bến Ngự, Nam Giao, v.v… Một trong những cây cầu này đã chứng kiến sự trưởng thành của người bạn gái thân nhất, những dấu chân của nàng đã in hằn trên đó khi đi đến trường.
Khu nhà tôi ở bây giờ đã trở thành bãi dây kẽm gai. Căn nhà tôi, một phần lớn bị tàn phá, đã đầy rác. Ngày đầu tiên tôi trở về. Tôi ngồi duỗi dài chân tay trên một cái giường bị gãy và nhìn giọt mưa nhỏ rơi trên tôi, từ chỗ trống của mái nhà, tôi nghĩ rằng đang mơ. Thật sự, Huế chẳng còn gì cả. Bầu không khí thanh lịch, ấm áp của ngày xưa sẽ không bao giờ trở lại. Các kho tàng cổ kính và quý giá của Huế đã bị bom đạn đốt cháy.
Chỉ trong vòng hai tháng, tất cả mọi người dân của thành phố Huế đều trở thành những công nhân. Tập quán cổ truyền có từ lâu của một lối sống vương giả ở những gia đình ngày xưa đã bị xoá đi mất. Tôi đã nhiều lần bước ngang qua cầu Tràng Tiền gãy đổ nhiều nhịp. Tôi qua dòng sông Hương với con thuyền đầy người. Còn đâu sự êm đềm trong tâm hồn thành phố. Rất khó kiếm thấy một chỗ không bị lỗ chỗ bởi những hố bom.
Những con đường tráng nhựa sạch sẽ thuở nào nay đã trở nên lộn xộn, bẩn thỉu. Từng đám bụi bay lên cao suốt ngày ở hai con đường chính. Một bảng quảng cáo của rạp hát Châu Tinh vẫn còn treo ở trước cửa chợ Ðông Ba. Phim này dường như cũng là một điềm gở: Le Temps du Massacre.
Máu đã chảy và thấm xuống đất thành phố. Tôi đã mất nhiều thời gian ngồi trong quán cà phê trên đường Trần Hưng Ðạo để quan sát những người qua lại buồn phiền, những người đã thăm được chiều sâu của sự buồn phiền. Tôi nhớ rằng tôi đã không tắm, không thay quần áo và không cạo râu cắt tóc trong hai tháng.
Vụ thảm sát hồi Tết Mậu Thân ở Huế
                     Vụ thảm sát hồi Tết Mậu Thân ở Huế
Sau giờ giới nghiêm, thành phố còn trở nên bi thảm hơn. Cửa nội thành đóng, đường phố bị bao phủ bởi một bầu không khí lạnh lẽo của bãi tha ma. Những ngôi mộ mới mọc lên như nấm dọc theo những con đường và lề đường trong công viên, trong vườn cam Tây Lộc và trong những cánh đồng nơi đàn bò ăn cỏ. Những bức tường của thành nội cũng đầy những vết đạn. Có lẽ hương hồn của những vị vua chúa ngày xưa và những quan lại cũng sợ hãi. Huế luôn luôn được nếm mùi bất hạnh. Từ lụt lội, bão tố trong quá khứ cho đến sự tàn phá của hàng ngàn căn nhà, hàng ngàn gia đình trong cuộc chém giết tàn nhẫn ngày hôm nay, người dân Huế đã phải học cách sống trong kiên nhẫn. Huế dường như bị cột chặt vào định mệnh khắc nghiệt. Sẽ không bao giờ có thành phố Huế cổ kính ngày xưa nữa. Tại đây, dân chúng không bao giờ có dịp để làm giàu một tháng hay một ngày. Cần phải 4 thế hệ: ông, cha, con và cháu, mới có thể xây dựng một căn nhà. Căn nhà được truyền từ đời nọ sang đời kia, và những người nào phải xa nhà, đều vẫn có thể nhớ từng cột nhà, từng sà nhà, từng bậc cửa.
Vì thế phải cần một thời gian lâu, mọi người có thể nhìn Huế mà không nhìn thấy khuôn mặt bị tàn phá. Huế của ngày xưa đã biến mất đi khi mái cao của cửa Thượng Tứ và cửa Ðông Hoà đã bị tàn phá và đầy lỗ thủng.
Tôi bước dọc theo đường thành nội nơi mà hàng ngàn căn nhà đã bị đốt cháy rụi.
Tôi đi lên An Hoà, đứng trên ngọn đồi Uông Voi và nhìn chung quanh, cạnh những hố bom sâu hơn 10 thước. Nơi đây là nhà của hàng ngàn những gia đình nghèo khó. Họ đã trở về để nhìn lại những cây chuối non, những cột gỗ, những lăng tẩm, từng bậc đá ghi lại những dấu vết của những cái gì đã một lần ở đó.
Tất cả mọi thứ đều bị tàn phá. Huế đã phải lo cúng bái thêm nhiều linh hồn còn đi lang thang. Huế đã có một ngày giỗ chung cho tất cả mọi người chết, ngày mà người ta nhìn thấy nhiều đống xác người. Nhưng bây giờ lại có thêm nhiều thân người nữa. Sự tàn phá cũng càng ngày càng nhiều. Nước mắt của người dân Huế đã đủ để làm dòng suối nhỏ. Những ngôi mộ ở chùa Áo Vàng, tại Bãi Dâu, tại Kim Long, tại Long Thọ, là những dấu vết của một bạo lực hung ác, không có thể quên được trong tâm hồn những người còn sống.
Nhớ những ngày ở Huế trong tháng Giêng và tháng Hai, tôi không bao giờ có thể quên được những người mẹ chạy theo xe chở xác, đã mang đứa con trai của bà và trong khi chạy, bà đã vỗ tay cười suốt con đường lầy lội đất đỏ.
Tôi cũng sẽ không bao giờ quên được những người lính Mỹ ngồi dài trên lề đường, nhìn bà ta cười ngạo nghễ. Tôi cũng nhớ một người đàn ông già, bước những bước nặng nề, trên vai ông một cỗ quan tài bé, trên quan tài có cắm ba nén hương đang cháy.
Trịnh Công Sơn ngoài hiên ngôi nhà của gia đình phố Nguyễn Trường Tộ, Phủ Cam, 1969
  Trịnh Công Sơn ngoài hiên ngôi nhà của gia đình phố Nguyễn Trường Tộ, Phủ Cam, 1969
Huế đã sống qua những ngày tàn nhẫn. Hàng đoàn người đã đào lỗ để tìm xác cha, anh, mẹ hay chị. Những tiếng khóc của đám ma có thể làm rung chuyển cả núi rừng. Nhiều cái chết do sự ác độc của loài người gây nên. Ngày kia tôi lẩn trốn trong một thư viện của Viện Ðại học Huế, tâm hồn tôi là một tảng băng. Chung quanh tôi mọi vật đều bị tàn phai. Tôi không thể nói được gì cả, khi đời sống chỉ là một trò đùa. Trong một tháng, tôi đã sống ở nơi ẩm ướt, lạnh lùng, trong bầu không khí ảm đạm của thư viện. Tôi không biết phải làm cái gì với cảnh tàn phá này. Căn bản luân lý của chiến tranh đã ra khỏi giới hạn của năng lực loài người để chịu đựng.
Huế ơi! Tôi hy vọng có một ngày thanh bình nào đó, tôi có thể trở về để ăn bánh bèo ở cây Phượng, bún bò thịt nướng ở Kim Long, bún bò tiệm bà Rớt. Tôi muốn quay trở lại để ngủ đêm trên dòng sông Hương và gọi ông Bê mang cho tôi một bát bún, rất cay, cay đến chảy nước mắt. Tôi sẽ gọi cô con gái trên thuyền mang cho tôi một con mực nướng khô, một cốc rượu nhỏ, thật nhỏ để làm cho đêm trở nên ấm hơn, những bài hát nửa đêm trở nên hay hơn và giấc ngủ hiền hoà hơn trong lúc sông lặng lờ trôi…
Trịnh Công Sơn
Trích từ tập Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay của Tạ Tỵ, Lá Bối xuất bản tại Sài Gòn ngày 29-1-1972.   
http://vuottuongluaonline.com
(*) Le Temps du Massacre (Thời kỳ Thảm Sát) là phim cao bồi với Franco Nero thủ vai Django.
VÌ SAO CÔNG AN ĐÀ NẴNG ĐỂ LỌT VŨ NHÔM?
Dư luận những ngày này đang sôi lên vì Vũ Nhôm đã trốn thoát. Nhiều người đang đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ Công an, đặc biệt là Công an Thành phố Đà Nẵng, nơi mà Vũ Nhôm đăng ký thường trú.
Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) thẳng thắn đặt câu hỏi: “Sáng nay tôi đọc báo thấy đã phát lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ. Tôi băn khoăn như vậy thì Phan Văn Anh Vũ đi lúc nào? Tại sao trước nay đã biết có nhiều thông tin liên quan Vũ “nhôm” như thế lại không có biện pháp quản thúc, để Vũ trốn mất? Có vấn đề gì ở đây không?”
Trước câu hỏi về trách nhiệm, đại tá Trần Đình Liên, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an nên Công an TP.Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp. Và sau khi Bộ có quyết định truy nã thì theo nghiệp vụ lực lượng Công an TP.Đà Nẵng phải thực hiện.
Tuy nhiên theo Báo Thanh Niên, thì việc tiến hành điều tra Vũ Nhôm diễn ra đã lâu, do đó nếu Công an TP Đà Nẵng viện dẫn lý do “chỉ là đơn vị phối hợp” để né tránh trách nhiệm thì thật là chưa thỏa đáng.
Chưa biết sự tình thế nào, song có một chi tiết đáng chú ý liên quan tới người đứng đầu ngành Công an TP Đà Nẵng hiện nay, Đại tá Giám đốc Lê Văn Tam, cần được lưu tâm. Hiện ông Tam đang sống trong khu Euro Village (Làng Châu Âu) sang trọng bậc nhất của thành phố. Biệt thự của ông Tam có diện tích hơn 500m2, với giá thị trường vào khoảng 50 triệu/m2, nên chỉ riêng giá trị đất (25 tỷ VND) đã biến ông Tam thành một trong những người cán bộ triệu phú đô-la của chính quyền thành phố. Điều này lâu nay gây dư luận âm ỉ trong ngành công an, cũng như toàn thể hệ thống chính trị thành phố, khi mà nhiều chiến sĩ, công chức chật vật ở nhà thuê vì không thể mua được nhà với đồng lương ít ỏi, thì người đứng đầu ngành công an lại sở hữu một bất động sản giá trị cao tới cả triệu đô la Mỹ như thế.
Thêm nữa, đây là một khu vực biệt lập (subdivision), ra vào có trạm gác kiểm tra. Không rõ điều này có phần nào ảnh hưởng tới chất lượng điều hành, việc sâu sát cơ sở, nắm chắc quần chúng của Giám đốc Lê Văn Tam, dẫn đến việc Vũ Nhôm có thể trốn thoát dễ dàng như vậy hay không?
- Một sĩ quan an ninh Đà Nẵng chính nghĩa -
------//------
Ảnh: Khu Euro Village (Làng Châu Âu) sang trọng bậc nhất ở thành phố Đà Nẵng. Biệt thự hơn 500m2 của Đại tá Giám đốc CA TP Lê Văn Tam nằm trong khu này.
                                                           
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời
Link liên quan:
Tác giả gửi đến Dân Luận.

Vũ Nhôm tháo chạy khỏi đất vàng Sài Gòn, gom tiền trước khi bỏ trốn


 
       Vũ Nhôm tháo chạy khỏi đất vàng Sài Gòn, gom tiền trước khi bỏ trốn

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản


Cổ đông tư nhân lớn nhất tại Seaprodex thoái vốn tháo chạy khỏi doanh nghiệp sở hữu dự án đất vàng ngay tại con phố vàng Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ đông lớn thứ 2 tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex, mã SEA) là CTCP Đầu tư và phát triển Chấn Phong đăng ký bán hết hơn 25 triệu cổ phiếu SEA, tương ứng 20,1% vốn điều lệ trong khoảng thời gian từ 18/12 tới 17/1/2018.
Chấn Phong vốn có tên cũ là CTCP Nova Bắc Nam 79, là cổ đông lớn thứ 2 của SEA, sau Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nắm 63,38%).
Với mức giá hơn 15 ngàn đồng như hiện tại, thương vụ sẽ mang về cho ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), thành viên HĐQT SEA, đại diện cho CTCP Nova Bắc Nam 79 một khoản tiền khoảng 650 tỷ đồng.
Seaprodex đưa 125 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 23/12/2016 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.400 đồng/cổ phiếu.
Ban đầu, Seaprodex chỉ có 2 cổ đông lớn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm giữ 63,38% vốn (79,2 triệu cổ phiếu) và nhóm cổ đông liên quan đến CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco).
Hai cổ đông lớn xuất hiện sau đó là Nova Bắc Nam 79 và Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú (sở hữu 13,4% vốn điều lệ).
Seaprodex là chủ đầu tư dự án đất vàng 2-4-6 Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM với dự định xây tòa nhà cao 20 tầng với tổng đầu tư 1,5 ngàn tỷ đồng.
Trong phiên cuối tuần trước, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục sôi động với khối ngoại tiếp tục mua ròng. Hàng loạt các cổ phiếu trụ cột như VCB, VIC, GAS đồng loạt bứt phá giúp thị VN-Index vượt 950 điểm.
Theo CTCK FPTS, thị trường đang có cơ hội tiếp diễn xu hướng tăng giá. Trong thời gian ngắn sắp tới thì thị trường cũng sẽ bước vào đợt công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2017. Do vậy, mỗi khi thị trường rung lắc là cơ hội mua cổ phiếu tốt giá thấp hơn.
Còn theo VCBS, kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục là yếu tố hỗ trợ đà tăng trung hạn. Tuy nhiên, dòng tiền có sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn khi nhà đầu tư đang tìm đến các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong Quý 4, 2017 cũng như 2018.
Kèm theo đó, khi thời điểm kết thúc năm, các nhà đầu tư có xu hướng tạm thời nghỉ ngơi và không quá hào hứng giải ngân trong giai đoạn này, nhất là sau một năm tăng trưởng ấn tượng như 2017. Vì thế, nhiều khả năng chỉ số chung sẽ khó có thể bứt phá, thay vào đó là sự ổn định đi ngang tích lũy trong thời gian còn lại của năm.
Về tổng thể, quy mô trên TTCK tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, thị trường đang có bước dừng lại do khối ngoại đảo danh mục và giảm giao dịch trước kỳ nghỉ lễ tết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12, VN-index tăng 6,26 điểm lên 952,32 điểm; HNX-Index giảm 0,53 điểm xuống 113,03 điểm. Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 54,7 điểm. Thanh khoản đạt 250 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 8,5 ngàn tỷ đồng, cao hơn mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Theo H. Tú
VietnamNet

http://dantri .com .vn/kinh-doanh/vu-nhom-thao-chay-khoi-dat-vang-sai-gon-gom-tien-truoc-khi-bo-tron-20171225145248403.htm

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè

Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè

Vỉa hè quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh... sau vài tháng chính quyền ra quân rầm rộ để chấn chỉnh, nay bị tái chiếm nghiêm trọng.

Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Sau hai tháng đoàn liên ngành chấn chỉnh trật tự đô thị quận 1 dừng ra quân, hàng loạt vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn bị tái chiếm tràn lan.
Trong ảnh là bốn ôtô đậu trên vỉa hè đường Hoàng Sa (phường Đa Kao) hàng giờ nhưng không bị xử lý, các biển quảng cáo cũng chiếm trọn lối đi bộ.
Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Bốn ôtô đậu trước khách sạn 5 sao (phường Bến Nghé). Do khu vực này thường diễn ra hội nghị nên ôtô cũng đậu xếp hàng trên vỉa hè từ sáng đến trưa.
Trong các đợt ra quân trước, tuyến vỉa hè này liên tục bị đoàn liên ngành quận 1 xử phạt, chủ tịch phường từng bị đề xuất hạ chức
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại hàng loạt tuyến đường khác bất kể ngày đêm như: Trần Cao Vân, Nguyễn Văn Thủ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học...
Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Trên đường Đặng Dung (phường Tân Định), trong khi các ôtô biển trắng đậu đúng quy định thì xe biển xanh của lực lượng đô thị phường lại nằm trên vỉa hè. 
Ông Hoàng Văn Dũng (63 tuổi, ngụ tại khu vực) cho biết vẫn thấy lực lượng trật tự đô thị đi kiểm tra nhưng cách làm hời hợt nên nhiều quán xá, ôtô vẫn vô tự chiếm dụng vỉa hè. 
"Tôi thường tập thể dục ven kênh Nhiêu Lộc nên biết, ngày trước quận xử lý ráo riết nên họ sợ, giờ toàn nhắc nhở. Như có ông đậu ôtô trên vỉa hè, đô thị tới ổng năn nỉ rồi lái xe đi ngon ơ, không bị phạt gì. Như thế họ nhờn luật mất", ông Dũng nói.
Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Vỉa hè còn bị các quán cà phê, cửa hàng dựng xe máy chiếm trọn. Trong ảnh là quán cà phê đường Hoàng Sa (phường Tân Định).
Một phó chủ tịch cùng tổ trưởng trật tự đô thị phường này từng bị ông Đoàn Ngọc Hải (Phó chủ tịch quận 1) đề xuất hạ chức, luân chuyển vì để vỉa hè tái chiếm.
Theo lãnh đạo nhiều phường, lực lượng đô thị, công an ra quân ngày đêm, kể cả cuối tuần. Người đứng đầu phường cũng trực tiếp xuống đường nhắc nhở, tuyên truyền bà con.
"Chủ trương của quận 1 hiện tập trung tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không chiếm vỉa hè. Những điểm nào thường xuyên tái diễn sẽ bị xử phạt. Chúng tôi cũng nghiên cứu, sắp tổ chức thêm các khu buôn bán ẩm thực theo giờ cho người bán hàng rong để sắp xếp lại vỉa hè", một lãnh đạo phường nói.
Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Buổi làm việc của lãnh đạo phường Đa Kao. Khi phát hiện ôtô đậu vỉa hè, lực lượng chức năng nhắc nhở, sau đó lập biên bản xử phạt.
Theo ghi nhận, việc các lãnh đạo phường xuống đường chỉ kéo dài thời gian ngắn sau khi ông Hải ngừng ra quân. Hiện chỉ còn lực lượng trật tự đô thị chạy xe máy kiểm tra, nhắc nhở.
Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Về đêm, tình trạng chiếm vỉa hè của nhà hàng, quán nhậu, ôtô diễn ra mạnh hơn; nhất là sau 21h và cuối tuần.
Từ 19h đến 20h, hàng quán tại đường Nguyễn Trung Trực (phường Bến Thành), Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang, Cầu Ông Lãnh), Hoàng Sa (phường Đa Kao, Tân Định)... chuẩn bị sẵn bàn ghế. Đến 21-22h, họ đồng loạt bày ra vỉa hè cho thực khách ngồi.
Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Theo nhiều chủ quán, lực lượng trật tự vẫn đi kiểm tra nhưng khoảng 21-22h họ nghỉ. Tận dụng thời điểm này, họ bung ra vỉa hè bày bán vì diện tích trong quán khá nhỏ, thực khách thích ngồi vỉa hè ngắm phố phường.
Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Khu vực dưới chân cầu Mống (phường Nguyễn Thái Bình) từng bị đoàn liên ngành xử lý, giao trách nhiệm cho công an phường không để tái chiếm nhưng nay hàng quán vẫn tiếp tục được bày ra.
Hồi giữa tháng 10, đoàn liên ngành quận 1 dừng ra quân do lãnh đạo quận "không muốn ông Hải làm thay việc của cấp dưới", không phát huy được vai trò quản lý của chính quyền cơ sở.
Trung tâm Sài Gòn như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè
Một loạt mái che tạm bợ trên vỉa hè đường Trần Quang Khải (phường Tân Định) gây mất mỹ quan đô thị.
Theo chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong, việc lập lại trật tự vỉa hè ở địa bàn một năm qua có chuyển biến đáng kể nhưng chưa dứt điểm.
Ông biết đằng sau những gánh hàng rong là cuộc sống của cả một gia đình nên khẳng định "đẩy đuổi là không nhân văn" và chính quyền phải sắp xếp hợp lý.
Tuy nhiên, ông cũng nhất quán rằng không nên xem vỉa hè, lòng đường là nơi giải quyết công việc, xóa đói giảm nghèo.
Chiến dịch chấn chỉnh vỉa hè ở Sài Gòn được quận 1 khởi phát ngày 16/1. Từ thành công của quận, TP HCM yêu cầu 24 quận huyện làm theo. Khi công tác này ở quận 1 "hạ nhiệt", vỉa hè các quận 3, 5,10, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh... cũng trở về hiện trạng ban đầu, nhất là về đêm và cuối tuần.
Duy Trần