Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Giáo dục phổ thông Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu so với Campuchia


Giáo dục phổ thông Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu so với Campuchia

(GDVN) - Thi dễ dãi dẫn đến chẳng ai muốn học thật. Bởi, có học làng nhàng, chơi nhởn nhơ thì vẫn đỗ tốt nghiệp mà có thể đỗ cao. Thế rồi kết quả “ma” cứ thế tràn lan.

LTS: Những năm trước đây, cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích đã góp phần điều chỉnh lại mục đích dạy và học của các nhà trường. 
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng học tập chạy theo thành tích không chú ý đến thực chất đã trở thành một vấn nạn hết sức nguy hại đến nhà trường và toàn xã hội.
Với mong muốn đưa ra những chia sẻ nhằm góp phần đổi mới lại chất lượng đào tạo giáo dục của nước ta theo hướng tích cực, cô Phan Tuyết đã có những quan điểm về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm học 2005-2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã đứng ra tố cáo những gian lận trong thi cử bậc trung học phổ thông thì năm học 2006-2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai cuộc vận động "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục".
Cuộc vận động này bước đầu đạt kết quả tốt, được toàn xã hội đồng tình ủng hộ đặc biệt là giáo viên.
Ảnh chụp clip quay cảnh gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012 tại trường Đồi Ngô, Bắc Giang.
Giáo dục có dấu hiệu khởi sắc
Kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của cuộc vận động "2 không" đã không còn cảnh một số giáo viên môn Toán, Anh văn Lý hoặc Hóa (nếu năm đó Lý, Hóa là môn thi) được giao nhiệm vụ cắm chốt tại trường sở tại làm nhiệm vụ giải bài.
Nhân viên phục vụ làm nhiệm vụ chuyển bài. Phụ huynh thì đóng thêm tiền, học sinh chỉ việc ngồi đợi bài vào thì chép…
Thế nên tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm ấy đã sụt giảm khá nhiều so với những năm về trước.
Điển hình có những trường không có học sinh thi đỗ tốt nghiệp như trường Đinh Tiên Hoàng ở Quảng Ngãi. Nhiều trường học chỉ đạt tỉ lệ dưới 10% so với những năm học trước là gần 100%.
Nhờ hành động dũng cảm của thầy Đỗ Việt Khoa, tháng 7/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào "Hai không" (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử) một cách rầm rộ.
Có thể nói, giai đoạn này, các trường học ở nhiều địa phương trong cả nước không chỉ giáo viên mà học sinh cũng ráo riết chăm lo hơn đến việc dạy và học.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng hơn 30% so với năm 2007

Cái tâm lý cứ học và chơi, thi tốt nghiệp thể nào cũng đỗ đã bị thay thế bằng sự lo sợ nếu học yếu sẽ không thể nào đỗ được.
Thế rồi, các trường đều lên kế hoạch dạy và ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm.
Đã có rất nhiều các biện pháp giúp giáo viên nâng chất lượng dạy, giúp học sinh nâng cao chất lượng học. Nhiều học sinh cũng lao vào học thật sự, bớt nhởn nhơ, chủ quan hơn trước.
Khá nhiều học sinh thổ lộ “nếu không tốt nghiệp được lớp 12 sẽ không thể vào học được một trường đại học nào cả”.
Có lẽ, giáo viên là người vui nhất bởi thầy cô không phải “gào thét”, không phải bắt ép các em phải học hành nghiêm túc như trước đây. Trò hào hứng, cần mẫn học thì thầy cô cũng được tăng thêm sức mạnh vì đã có động lực để dạy.
Chẳng riêng gì bậc trung học phổ thông, hai bậc học tiểu học và trung học cơ sở trước cuộc vận động “nói không với thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” cũng đã có sự chuyển mình rõ nét.
Nhà trường kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng giáo dục, giáo viên dạy có trách nhiệm hơn và nghiêm khắc hơn trong đánh giá nhận xét các em.
Vì ai cũng sợ chất lượng đào tạo của mình bị lỗi lên bậc học cao hơn trò sẽ bị đuối và lương tâm, trách nhiệm cột lên đầu.
Cùng với nhiều biến chuyển như thế, năm học 2006-2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo lại triển khai tiếp Cuộc vận động hai không với bốn nội dung: "Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, vi phạm đạo đức nhà giáo và ngồi nhầm lớp".
Giáo dục đã có nhiều khởi sắc khi trong mỗi trường học việc dạy và học thực chất đã có nhiều biến chuyển mới.
Nếu cứ lấy cái đà này để làm mạnh tay, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cuộc vận động ở các địa phương, cương quyết xử lý những tình trạng vi phạm thì mọi chuyện giờ đây đã đã khác.
Sẽ chẳng thể có chuyện học sinh ngồi nhầm lớp. Chẳng có chuyện học sinh thi đại học 3 môn dưới 10 cũng đỗ vào sư phạm. Hay hàng ngàn điểm 0, điểm liệt trong mỗi kỳ thi.

Tầm nhìn 4.0 và quyết sách táo bạo của Bộ trưởng làm thay đổi giáo dục Campuchia

Đằng này, ngành giáo dục tiếp tục mắc phải sai lầm khi để bệnh hình thức tiếp tục tồn tại và phát triển. Họ trọng báo cáo hơn thực tế.
Người ta biểu dương, tung hô những trường có tỉ lệ 100% học sinh lên lớp thẳng, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, chỉ chích trường có học sinh ở lại, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp.
Người ta cứ hô hào trên miệng còn thực tế lại làm khác.
Thế là bệnh thành tích lại có dịp bùng phát dữ dội dù ở mức ngầm và sự kiện Trường trung học phổ thông dân lập Đồi Ngô năm 2012 là một ví dụ.
Mặc dù kết luật của thanh tra giáo dục thời điểm ấy “hiện tượng tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô chỉ là cá biệt…”.
Nhưng thực chất bên ngoài khá nhiều địa phương (nếu không muốn nói là gần hết thảy) tình trạng học sinh quay cóp bài trong khi thi, đưa bài bên ngoài vào chép…vẫn diễn ra khá phổ biến.
Có điều không ai tố cáo hay quay video và lập biên bản.
Và chỉ vài năm sau đó, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bắt đầu chạm đỉnh 100% như những năm trước đây.
Thi dễ dãi dẫn đến chẳng ai muốn học thật. Bởi, có học làng nhàng, chơi nhởn nhơ thì vẫn sẽ đỗ tốt nghiệp mà có thể đỗ cao hẳn hoi. Trò không muốn học thì thầy cũng chẳng còn đâu nhiệt huyết mà dạy. Thế rồi kết quả “ma” cứ thế tràn lan.
Trở về vạch xuất phát
Sau vài năm thực hiện “hai không” tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt mức 60-70% thì những năm gần đây, nhiều trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chạm đỉnh.
Ngày 28/12 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Cải cách giáo dục ngoạn mục của Campuchia bắt đầu từ thi thật” của tác giả Hồng Thủy.
Chúng tôi biết được Campuchia vực dậy một nền giáo dục lạc hậu hoàn toàn không giống cách làm của nước ta là chi nhiều triệu USD cho việc nhập khẩu phương pháp dạy học mới và thay sách giáo khoa mà chỉ bắt đầu bằng việc thi thật.

"Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích"

Chúng tôi, những nhà giáo có tâm cảm thấy tiếc nuối vì ngành giáo dục của mình đã bỏ qua cơ hội “vàng” trong thời gian thực hiện hai không trước đó.
Đổi mới giáo dục của ta lại bắt đầu từ việc đổ tiền nhập khẩu phương pháp dạy học mới và thay sách giáo khoa, còn thi cử vẫn bị xem nhẹ.
Mới khoảng 20 năm trở lại đây, ngành giáo dục đã nhập khẩu khá nhiều phương pháp dạy học mới từ nước ngoài về. Nào là dạy vẽ theo Đan Mạch, dạy Bàn tay nặn bột của Pháp, đặc biệt nhập luôn mô hình trường học mới VNEN của Colombia.
Cùng với đó, là việc thay sách giáo khoa năm 2000, sách giáo khoa VNEN, sách của Giáo sư Hồ Ngọc đại và chuẩn bị thay sách vào năm 2019 sắp tới.
Nhà nước phải đi vay ngót nghét 3 tỉ USD đầu tư cho giáo dục, nhưng giáo dục ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp diễn ra đáng báo động ở ngay trong những ngôi trường mang danh "chuẩn quốc gia".
Campuchia đã thực thi chính sách “không gian lận” trong giáo dục và thi cử.
Do làm nghiêm nên học sinh biết rằng muốn thi đỗ, chỉ có cách duy nhất là phải học, chứ không thể tìm kiếm cơ may ở đền chùa và trông chờ vào việc quay cóp.
 Nhờ đó "Học sinh đã thay đổi thái độ học tập và văn hóa học tập. Chất lượng học sinh phổ thông đủ khả năng tốt nghiệp và vượt qua kỳ thi tuyển sinh, tạo nền tảng tốt cho giáo dục đại học." 
Bộ trưởng giáo dục Camphuchia Hang Chuon Naron đã có câu nói khá hay “tất cả việc chi tiêu - như chi tiêu cho sách giáo khoa, chi tiêu thêm cho các nguồn lực, ngay cả lương cao hơn cho giáo viên, nếu học sinh không chịu học, thì cũng không thể đạt hiệu quả”. 
Trở về với giáo dục Việt Nam, thời gian thay đổi chương trình sách giáo khoa mới đã cận kề nhưng căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn tồn tại và ngày một nặng hơn. Bởi thế, chúng tôi cũng khó kì vọng giáo dục sẽ chuyển mình theo xu hướng tích cực.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cai-cach-giao-duc-ngoan-muc-cua-Campuchia-bat-dau-tu-thi-that-post182527.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét