Cảnh sát can thiệp BOT Cai Lậy đúng hay sai?
Giữa căng thẳng tài xế - "nhà trạm" ở BOT Cai Lậy, lực lượng công an đã nhiều lần can thiệp, thu giữ giấy tờ của tài xế, mời tài xế về làm việc...
Sau lần xả cửa thứ nhất từ 12h45 đến 13h35 ngày 30-11, khi trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1 (Tiền Giang) hoạt động trở lại, các tài xế tiếp tục trả tiền lẻ và lần này họ nhất quyết không vào bãi dành riêng cho xe trả tiền lẻ.
Với những trường hợp này, kịch bản của "nhà trạm" là dùng xe cẩu cẩu các xe ra khỏi làn thu phí. Tuy nhiên, các tài xế vẫn cố thủ trên xe.
Theo một tài xế: "Việc trả tiền thu phí, dù là tiền mệnh giá lớn hay nhỏ, là giao dịch dân sự giữa tài xế và phía đơn vị thu phí. Công an không có quyền can thiệp vào và không được cẩu xe vì chúng tôi không vi phạm Luật Giao thông đường bộ".
Đỉnh điểm là vào khoảng 16h, tài xế xe 61A 276... đến buồng thu phí trả tiền lẻ. Nhân viên thu phí không đồng ý và yêu cầu cho xe vào làn chờ. Lúc này một CSGT Công an Tiền Giang yêu cầu tài xế này trình giấy tờ xe.
Video tạm dừng
Lực lượng chức năng đưa những người quá khích khỏi hiện trường - Video: H.L
Sau khi trình giấy tờ xe và bằng lái thì vị công an này mang đi và yêu cầu cẩu xe 61A 276... đi chỗ khác. Bức xúc trước hành động này, nhiều người đã vây quanh đại tá Trần Hoài Bảo, trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Tiền Giang, yêu cầu trả bằng lái xe cho tài xế.
Phải hơn 10 phút đôi co, tài xế vẫn chưa nhận lại được bằng lái nên nhiều người đã vây kín khu vực thu phí khiến giao thông chiều từ TP.HCM - Mỹ Thuận tê liệt. Đến khi hơn 20 cảnh sát cơ động được điều đến thì trật tự mới vãn hồi.
Trong buổi chiều 30-11, công an huyện Cai Lậy đã đưa hai tài xế về trụ sở để làm việc, do cho rằng hai người này gây rối, kích động.
Trả lời vì sao lực lượng công an đưa những chủ xe trả tiền lẻ vào khu vực riêng, đại tá Trương Văn Sáng - trưởng công an huyện Cai Lậy - cho biết việc mời các tài xế ra khỏi làn thu phí trong ngày 30-11 là đúng theo quy định pháp luật.
Theo đại tá Sáng, những tài xế xe này cố tình gây cản trở giao thông khiến kẹt xe trên quốc lộ 1. "Chúng tôi đang củng cố chứng cứ để xử lý hai trường hợp này theo quy định. Tuy nhiên, xử lý về tội gì thì sẽ thông tin sau", ông Sáng nói.
Theo luật sư, rắc rối phát sinh giữa tài xế và trạm thu phí chỉ là các bên chưa sử dụng phương thức thanh toán phù hợp. Rắc rối đó, phía tài xế chỉ là thiếu thiện chí trong thanh toán (nếu có) nhưng lỗi của trạm thu phí lớn hơn. Bởi lẽ trạm buộc tài xế đóng phí nhưng lại không chuẩn bị đầy đủ công cụ, phương thức thanh toán. Đó là chưa kể đến việc đặt trạm thu phí tại vị trí đó để thu tiền là chưa đúng.
"Như vậy, lực lượng cảnh sát giao thông tham gia giải quyết rắc rối đó bằng cách thu giữ bằng lái, giấy tờ xe của tài xế là hành vi trái luật", ông Thắng khẳng định.
Theo quy định, cảnh sát giao thông chỉ được quyền kiểm tra, giữ giấy tờ, bằng lái của tài xế khi xử lý vi phạm hành chính về giao thông. Trường hợp giữ giấy tờ, bằng lái để xử lý vi phạm giao thông thì phải lập biên bản đầy đủ.
Trường hợp nếu cần xử lý hình sự tài xế vì cho rằng có dấu hiệu vi phạm về hành vi gây rối trật tự thì thẩm quyền cũng không thuộc về cảnh sát giao thông.
Trường hợp cảnh sát giao thông giữ giấy tờ, bằng lái của tài xế không đúng quy định thì tài xế hoàn toàn có quyền khiếu nại thủ trưởng cơ quan công an để xử lý hoặc khởi kiện hành chính.
Về trường hợp một tài xế thiếu tiền qua trạm do người này trả tiền qua thẻ nhưng trạm không có nơi cà thẻ, dẫn đến trạm thu phí tạm giữ CMND của tài xế là trái quy định pháp luật.
Cụ thể, theo quy định nghị định số 05/1999/NĐ-CP thì CMND bị tạm giữ khi có hành vi vi phạm hành chính theo quy định pháp luật, hoặc bị tạm giam, chấp hành án phạt tù, chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng...
Như vậy, CMND chỉ bị tạm giữ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo luật định.
Trường hợp tài xế thiếu tiền mặt, đưa thẻ cho trạm quẹt nhưng trạm lại không bố trí máy quẹt thì đó là lỗi của trạm. Với việc lập biên bản để tạm giữ CMND của tài xế như vậy là trái quy định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét